Hà Nội: Vụ thang máy rơi từ tầng 5: Vừa bảo dưỡng hơn nửa tỷ đồng

0:00 / 0:00
0:00

Liên quan đến sự cố rơi thang máy từ tầng 5 xuống đất làm 2 người bị thương, theo lời cán bộ tổ dân phố, hệ thống thang máy nơi đây vừa được ban quản trị bỏ ra hơn nửa tỷ đồng để bảo dưỡng, bảo trì.

Thang máy ở tòa nhà B10A Nam Trung Yên bị rơi tự do từ tầng 5 xuống tầng 1 khiến 2 người bị thương phải nằm viện điều trị
Thang máy ở tòa nhà B10A Nam Trung Yên bị rơi tự do từ tầng 5 xuống tầng 1 khiến 2 người bị thương phải nằm viện điều trị

Theo báo cáo của UBND phường Trung Hòa, ở thời điểm sự cố xảy ra, có 11 người sau khi đi ăn giỗ tại nhà bà Đ.T.H ở tầng 10 đã vào thang máy (thang chở hàng số 4) để di chuyển xuống mặt đất.

Khi xuống đến tầng 5 thì thang bị trôi tụt xuống tầng 1. Hậu quả khiến người thân của bà H. gồm: bà Nguyễn Thị T. (87 tuổi, trú tại Hà Nội) bị gãy chân; chị Nguyễn Thanh T. (31 tuổi, trú ở quận Ba Đình) và 1 cháu bé 4 tuổi bị xây xát vùng đầu.

Ngay sau đó, các nạn nhân đã được sơ cứu tại chỗ và đưa vào bệnh viện. Hiện cháu bé 4 tuổi sau khi chụp chiếu, làm xét nghiệm đã được đưa về nhà. Riêng bà T. và chị T. đang nằm điều trị tại Bệnh viện 198.

Kể lại giây phút kinh hoàng xảy ra vào chiều 29/11, chị Hoàng Thị Giang (một cư dân đang sống ở tòa B10A; đã đổi tên nhân vật) cho biết khi vừa bước chân ra khỏi thang máy kế bên, chị chứng kiến cảnh tượng mọi người nằm la liệt dưới sàn thang máy bị rơi.

"Lúc đó bận việc nên tôi không kịp di chuyển chung thang máy với các nạn nhân. Sau khi di chuyển bằng thang máy bên cạnh xuống tầng 1, tôi nhìn thấy mọi người nằm la liệt trong thang chở hàng. Hình ảnh đó thật sự rất ám ảnh" - chị Giang nói.

Hình ảnh thang chở hàng được niêm phong, vận hành thử sau sự cố rơi tự do

Hình ảnh thang chở hàng được niêm phong, vận hành thử sau sự cố rơi tự do

Đáng chú ý, liên quan đến vụ việc trên, theo ông Đặng Văn Cẩn - đại diện Ban Mặt trận Tổ dân phố 45 (phường Trung Hòa), mới đây 4 chiếc thang máy (3 thang di chuyển, 1 thang chở hàng) của tòa nhà đã được Ban quản trị mua sắm các linh kiện, thiết bị xuất xứ nước ngoài để sửa chữa, bảo dưỡng. Tổng số tiền bỏ ra lên tới hơn nửa tỷ đồng.

Theo ông Cẩn, sau khi sự cố xảy ra, người dân có hỏi về xuất xứ của linh kiện nhập khẩu từ nước nào thì ban quản trị chưa trả lời; cũng chưa cung cấp hóa đơn, giấy tờ chứng minh xuất xứ.

Trong khi đó, tại góc thang máy vẫn còn tem kiểm định đến tháng 8 năm sau mới hết hạn bảo hành.

Trước thông tin cho rằng ở thời điểm sự cố xảy ra, thang máy đã bị quá tải vì có đến 11 người ở bên trong, ông Cẩn đã lập tức phản bác: "Người đi vào quá đông thì thang máy sẽ không thể đóng cửa lại được, bị đứng im và đèn báo kêu lên mới là quá tải. Đằng này, thang máy vẫn hoạt động bình thường. Hơn nữa đó lại còn là thang chở hàng".

Theo UBND phường Trung Hòa, Ban quản trị tòa B10A có ký hợp đồng quản lý vận hành với Công ty cổ phần tư vấn HMB Hà Nội; ký hợp đồng bảo trì thang máy với Công ty Cổ phần tập đoàn công nghệ ATT. Thang máy được bảo trì định kỳ hàng tháng, có đầy đủ lý lịch và hồ sơ bảo trì.

Chuyên đề