Hà Nội lùi thời gian thi tuyển lớp 10

0:00 / 0:00
0:00
Ngày 2/6, UBND thành phố Hà Nội đồng ý với đề xuất của Sở GD&ĐT về việc điều chỉnh thời gian tổ chức kỳ thi tuyển sinh lớp 10. Theo đó, kỳ thi sẽ được tổ chức vào ngày 12-13/6 thay vì 10-11/6 như trước.

Hà Nội cũng đồng ý với phương án điều chỉnh thời gian làm bài thi. Cụ thể, ngày 11/6, thí sinh sẽ làm thủ tục dự thi, đính chính sai sót (nếu có), học tập quy chế thi bằng hình thức trực tuyến.

Sáng 12/6, thí sinh sẽ thi môn Ngữ văn với thời gian làm bài 90 phút, thay vì 120 phút như kế hoạch cũ (bắt đầu từ 8 giờ 30 phút). Với môn ngoại ngữ, thời gian làm bài 45 phút, thay vì 60 phút (từ 10 giờ 30 đến 11 giờ 15 phút). Thời gian nghỉ giữa 2 môn là 30 phút. Sáng 13/6, thí sinh thi môn Toán, thời gian làm bài 90 phút, từ 8 giờ 30 đến 10 giờ (thay vì 120 phút như lịch đã công bố) và môn Lịch sử, thời gian làm bài 45 phút (thay vì 60 phút), từ 10 giờ 30 đến 11 giờ 15 phút. Thời gian nghỉ giữa 2 môn là 30 phút. Ngày 14/6 thí sinh thi các môn chuyên vào trường THPT chuyên.

Như vậy, với phương án điều chỉnh thời gian làm bài thi này, học sinh lớp 9 dự thi vào lớp 10 trường THPT không chuyên sẽ chỉ thi 2 buổi, thay vì 3 buổi như kế hoạch trước đó. Thời gian làm bài thi cũng được rút ngắn nhằm giảm áp lực cho thí sinh. Số lượng câu hỏi trong đề thi môn Ngoại ngữ, Lịch sử cũng sẽ giảm xuống còn 30 câu (giảm 10 câu).

Hà Nội xác định kỳ thi diễn ra trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, do đó, Sở GD&ĐT Hà Nội phối hợp Sở Y tế và các đơn vị liên quan xây dựng tiêu chí để tổ chức phân loại thí sinh đã đăng ký dự thi thành 3 nhóm.

Nhóm 1 là thí sinh diện F0, F1 đang điều trị hoặc cách ly. Với nhóm này, thí sinh được tuyển thẳng vào trường THPT công lập đã có nguyện vọng đăng ký dự tuyển theo quy định phù hợp với nơi cư trú của thí sinh. Trường hợp này không ảnh hưởng đến chỉ tiêu tuyển sinh của thí sinh thuộc các nhóm khác tại mỗi trường THPT công lập.

Nhóm 2 gồm thí sinh thuộc diện F2 đang trong thời gian cách ly, địa bàn bị cách ly, phong tỏa hoặc diện khác mà không được đến trường thi. Thí sinh cũng sẽ được xét tuyển căn cứ vào điểm xét tuyển của thí sinh được tính theo điểm THCS + điểm trung bình môn Toán + điểm trung bình môn Ngữ văn + điểm trung bình môn Ngoại ngữ + điểm trung bình môn Lịch sử + điểm ưu tiên (nếu có). Trong đó, điểm THCS là tổng sổ điểm tính theo kết quả rèn luyện và học tập của 4 năm cấp THCS, nếu lưu ban lớp nào thì lấy kết quả năm học lại của lớp đó.

Điểm kết quả rèn luyện và học tập mỗi năm học ở cấp THCS của học sinh được tính cụ thể: hạnh kiểm tốt và học lực giỏi: 5 điểm; hạnh kiểm khá và học lực giỏi hoặc hạnh kiểm tốt và học lực khá: 4,5 điểm; hạnh kiểm khá và học lực khá: 4 điểm; hạnh kiểm trung bình và học lực giỏi hoặc hạnh kiểm tốt và học lực trung bình: 3,5 điểm; hạnh kiểm khá và học lực trung bình hoặc hạnh kiểm trung bình và học lực khá: 3 điểm. Các trường hợp còn lại: 2,5 điểm.

Nhóm 3 gồm các đối tượng thí sinh được phép đến trường thi và lấy kết quả thi làm căn cứ tuyển sinh như những năm trước.

Chuyên đề