Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet |
Ban Quản lý dự án VNPT Vinaphone (Bên mời thầu) cho biết, Gói thầu Mua sắm SIMCard cho mạng di động Vinaphone năm 2019 được đấu thầu rộng rãi trong nước theo phương thức 1 giai đoạn 2 túi hồ sơ. Thời gian phát hành hồ sơ mời thầu (HSMT) từ ngày 28/3 - 24/4/2019 (kể cả thời gian gia hạn đóng thầu).
Có 2 nhà thầu nộp HSDT gồm: Liên danh Công ty CP Viễn thông Điện tử Vinacap - Công ty CP Thông minh MK (Liên danh Vinacap - MK); Liên danh CTIN - Quang Dũng. Trong trình đánh giá HSDT, Liên danh Vinacap - MK bị loại vì HSDT không đáp ứng các yêu cầu kỹ thuật của Gói thầu. Liên danh CTIN - Quang Dũng được lựa chọn trúng thầu, với giá trúng thầu là 102,7 tỷ đồng, giá gói thầu là 107,9 tỷ đồng, đạt tỷ lệ tiết kiệm 4,8%. Thời gian thực hiện hợp đồng là 12 tháng, hợp đồng theo đơn giá cố định. Chủ đầu tư (VNPT Vinaphone) đã ký hợp đồng với Liên danh nhà thầu trúng thầu.
Ngày 30/7/2019, VNPT Vinaphone nhận được văn bản kiến nghị của Công ty CP Thông minh MK về kết quả đánh giá HSDT của nhà thầu này.
Ngày 5/8/2019, VNPT Vinaphone đã có buổi làm việc với Liên danh Vinacap - MK để làm rõ những thắc mắc của Nhà thầu về kết quả đánh giá HSDT. Theo nội dung biên bản làm việc, HSDT của liên danh nhà thầu này có tiêu chuẩn kỹ thuật của USIM ELOAD 128K không đáp ứng được yêu cầu đã nêu trong HSMT (Mục 57), kể cả sau khi đã được Nhà thầu làm rõ HSDT và kết quả kiểm định SIMCard mẫu không đạt yêu cầu.
Về yêu cầu SIM ELOAD 128K có hỗ trợ ký số PKI của HSMT, VNPT Vinaphone cho biết, hiện nay chữ ký số đã và đang được sử dụng phổ biến trên thế giới cũng như tại Việt Nam. Trong HSMT, yêu cầu kỹ thuật của các chủng loại SIMCard được nêu đầy đủ và rõ ràng, trong đó có yêu cầu về tính năng ký số PKI. Thời gian chuẩn bị HSDT từ ngày phát hành HSMT đến thời điểm đóng thầu là 28 ngày, nhà thầu đã mua HSMT để nghiên cứu tham dự đấu thầu, tuy nhiên trong thời gian này Nhà thầu không có bất cứ đề nghị làm rõ hay yêu cầu gì về HSMT.
VNPT Vinaphone cho biết, theo quy định của HSMT, nhà thầu phải nộp SIM mẫu kèm theo HSDT. Đồng thời với việc đánh giá về mặt kỹ thuật nêu trong hồ sơ đề xuất kỹ thuật (HSĐXKT), VNPT Vinaphone cũng tiến hành thử nghiệm SIMCard mẫu để kiểm tra khả năng tương thích giữa SIMCard với các hệ thống dịch vụ, ứng dụng của mạng Vinaphone. Nếu một trong hai điều kiện nêu trên mà không đáp ứng thì HSDT của nhà thầu được đánh giá là không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật. Tất cả các nhà mạng di động tại Việt Nam đều đưa yêu cầu này trong HSMT của các gói thầu tương tự. Như vậy, để được đánh giá là HSDT đáp ứng yêu cầu kỹ thuật thì ngoài việc đáp ứng các yêu cầu về kỹ thuật nêu trong HSMT, các SIMCard mẫu nộp theo HSDT phải đáp ứng việc thử nghiệm thành công.
VNPT Vinaphone khẳng định, việc các chủng loại SIM của hãng Workz đã thử nghiệm thành công trước đó cũng như kết quả thử nghiệm (Biên bản ngày 11/4/2019) là độc lập với kết quả kiểm tra, đánh giá Gói thầu Mua sắm SIMCard và cũng không phải là cơ sở pháp lý để đánh giá đối với SIM mẫu nộp trong gói thầu này.
Theo đại diện VNPT Vinaphone, HSMT tuân thủ đúng quy định về ưu đãi đối với hàng hóa sản xuất trong nước (được hưởng ưu đãi 7,5% giá dự thầu). Để tạo sự công bằng, minh bạch giữa các nhà thầu cung cấp SIMCard của hãng có uy tín thương hiệu đã được sử dụng trên mạng di động của Việt Nam và các nhà thầu cung cấp SIMCard chưa được sử dụng trên thị trường Việt Nam thì HSMT phải đưa ra hệ số K (hệ số quy đổi xuất xứ hàng hóa) nhằm đưa về cùng một mặt bằng giá đánh giá. Tại buổi làm việc, Liên danh nhà thầu kiến nghị cũng đã thống nhất với kết quả đánh giá HSDT của VNPT Vinaphone và không có ý kiến thắc mắc liên quan đến việc không đáp ứng yêu cầu kỹ thuật và kết quả phê duyệt danh sách nhà thầu đáp ứng yêu cầu kỹ thuật tại gói thầu nêu trên.