Bên mời thầu: Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Long An
Nội dung kiến nghị/đề nghị làm rõ:
Tiêu chí HSMT:
Khoản b mục 1.2 Chương V của HSMT yêu cầu:
Tại STT 60 - Bộ sa bàn giao thông: (Có) Đĩa DVD về giao thông và hướng dẫn sử dụng đã được cơ quan chức năng thẩm định nội dung và cấp giấy phép xuất bản - Sản phẩm phù hợp Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn đồ chơi trẻ em QCVN3:2019/BKHCN
Tại STT - 70 - Lịch của trẻ (vải): (Có) Đĩa DVD hướng dẫn sử dụng đã được cơ quan chức năng thẩm định nội dung và cấp giấy phép xuất bản”
Kiến nghị/đề nghị làm rõ của nhà thầu:
Kiến nghị/đề nghị làm rõ lần 1:
Nhà thầu cho rằng đĩa DVD là một sản phẩm trí tuệ, bao gồm phần cứng và phần mềm, là một sản phẩm độc lập, và có quy định riêng về Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Xuất bản nhưng lại được cố tình lồng ghép vào thành phụ kiện của một sản phẩm thông dụng trên thị trường. Hơn nữa, sản phẩm đĩa DVD này cũng không nằm trong danh mục của Thông tư số 02/2010/TT-BGDĐT ban hành danh mục đồ dùng, đồ chơi, thiết bị dạy học tối thiểu dùng cho giáo dục mầm non.
Bộ sa bàn giao thông và lịch của trẻ và các sản phẩm thuộc danh mục của Thông tư số 02/2010/TT-BGDĐT được bán rộng rãi trên thị trường từ rất lâu. Việc HSMT yêu cầu có đĩa DVD là phụ kiện của sản phẩm nhằm mục đích hướng dẫn sử dụng là không phù hợp.
Nhà thầu cho biết mọi sản phẩm bàn giao đều được hướng dẫn sử dụng, tập huấn, đào tạo, chuyển giao trong quá trình nhà thầu bàn giao, nghiệm thu sản phẩm.
Kiến nghị/đề nghị làm rõ lần 2:
Sau khi Bên mời thầu có văn trả lời ngày 20/5/2024, Nhà thầu tiếp tục kiến nghị:
Sản phẩm Bộ sa bàn giao thông, Lịch của trẻ và các sản phẩm theo Thông tư số 02/2010/TT-BGDĐT được bán rộng rãi trên thị trường và tuân thủ các tiêu chuẩn về an toàn đồ chơi trẻ em. Hướng dẫn sử dụng đi kèm sản phẩm cũng là một điều bình thường, nhưng bất thường ở đây là hướng dẫn sử dụng phải là đĩa DVD được cơ quan chức năng thẩm định nội dung và cấp giấy phép xuất bản (hướng dẫn sử dụng sản phẩm của doanh nghiệp phải được cơ quan nào thẩm định và cấp phép xuất bản). Bên mời thầu cũng khẳng định đĩa DVD là một phương tiệnlưu trữ và truyền tải dữ liệu, không phải là một sản phẩm trí tuệ tự thân, vậy tại sao đĩa DVD hướng dẫn sử dụng phải được cơ quan chức năng thẩm định và cấp phép, và bắt buộc phải là DVD chứ không phải là một dạng khác (VCD, USB... ) và còn phải đạt tiêu chuẩn QCVN3:2019/BKHCN (đĩa DVD không thuộc phạm vi cấp chứng nhận nhận này).
Từ những căn cứ như trên, Nhà thầu cho rằng Bên mời thầu đã cố tình đưa sản phẩm chưa phù hợp vào danh mục sản phẩm phù hợp nhằm mục đích gây khó khăn, cản trở Nhà thầu nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho một số nhà thầu khác, đồng thời làm tăng giá thành sản phẩm khi tăng những phụ kiện không cần thiết.
Trả lời, giải quyết kiến nghị/đề nghị làm rõ:
Ngày 20/5/2024, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Long An có văn bản trả lời nhà thầu, trong đó cho rằng, đĩa DVD thường được sử dụng như một phụ kiện bổ sung để cung cấp nội dung kèm theo sản phẩm khác. Đĩa DVD là một phương tiện lưu trữ và truyền tải dữ liệu, không phải một sản phẩm trí tuệ tự thân. Do đó, coi đĩa DVD là một sản phẩm trí tuệ độc lập không hoàn toàn chính xác. Vì là phương tiện truyền tải nội dung nên nội dung cần được thẩm định trước, đặc biệt áp dụng trong môi trường giáo dục nên bắt buộc phải có giấy phép xuất bản. Mặc dù đĩa DVD không nằm trong danh mục của Thông tư số 02/2010/TT-BGDĐT, nhưng không có nghĩa là DVD không được sử dụng là phụ kiện, công cụ và tài liệu bổ sung ngoài danh mục để hỗ trợ quá trình dạy và học.
Về kiến nghị lần 2 của Nhà thầu, ngày 23/5/2024, Bên mời thầu có văn bản trả lời như sau:
Đĩa DVD là một công cụ bổ sung hỗ trợ, đĩa DVD cung cấp thêm tài liệu tham khảo lâu dài cho người sử dụng sau khi các buổi tập huấn kết thúc, việc có tài liệu hướng dẫn đi kèm như đĩa DVD là rất cần thiết để đảm bảo rằng người dùng có thể hiểu và sử dụng sản phẩm đúng cách ngay từ đầu. Điều này giúp giảm thiểu các sai sót và sự cố trong quá trình sử dụng. Khoản 8 Điều 4 Luật Xuất bản số 19/2012/QH13 quy định: “Xuất bản điện tử là việc tổ chức, khai thác bản thảo, biên tập thành bản mẫu và sử dụng phương tiện điện tử để tạo ra xuất bản phẩm điện tử"; theo Điều 45 quy định: “Việc xuất bản điện tử phải do nhà xuất bản hoặc cơ quan, tổ chức có giấy phép xuất bản tài liệu không kinh doanh thực hiện và phải tuân theo quy định của Luật này…”.
Việc yêu cầu có thẩm định đĩa DVD đưa vào sử dụng trong trường học được căn cứ Điều 6 Thông tư số 47/2020/TT-BGDĐT, cụ thể, tính giáo dục của đồ chơi: Phù hợp với nội dung chương trình giáo dục mầm non và các hoạt động chăm sóc và giáo dục trẻ em trong cơ sở giáo dục mầm non; giúp trẻ em phát triển các lĩnh vực thể chất, ngôn ngữ, trí tuệ, thẩm mỹ, tình cảm và kỹ năng xã hội”.
Quy định về tiêu chuẩn kỹ thuật và hướng dẫn sử dụng phù hợp với Thông tư số 47/2020/TT-BGDĐT và không vi phạm điều cấm khi lập HSMT theo Phụ lục 8 Thông tư số 06/2024/TT-BKHĐT đã nêu ở trên.
Theo Luật Xuất bản số 19/2012/QH13, mọi tài liệu xuất bản, bao gồm đĩa DVD, phải được cấp phép xuất bản trước khi phát hành. Điều này đảm bảo rằng nội dung trên đĩa DVD đã được kiểm tra và thẩm định, đảm bảo an toàn và chất lượng cho người sử dụng, đặc biệt là trong môi trường giáo dục.
Bên mời thầu kết luận HSMT không vi phạm các nội nội dung tại Phụ lục 8 Thông tư số 06/2024/TT-BKHĐT.
Kết quả giải quyết kiến nghị/đề nghị làm rõ:
Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Long An không điều chỉnh HSMT.