Gói thầu kiểm toán tại TP.HCM: Nhiều tiêu chí bị phản ứng

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Gói thầu Tư vấn kiểm toán, quyết toán công trình thuộc Dự án Xây dựng đường D1 (kết nối Đại học Sài Gòn với đường Nguyễn Văn Linh và Khu dân cư Him Lam) đang trong thời gian phát hành hồ sơ mời thầu (HSMT).
Hồ sơ mời thầu Gói thầu Tư vấn kiểm toán, quyết toán thuộc Dự án Xây dựng đường D1 tại TP.HCM yêu cầu trưởng đoàn kiểm toán phải có chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu. Ảnh minh họa: Hưng Thịnh
Hồ sơ mời thầu Gói thầu Tư vấn kiểm toán, quyết toán thuộc Dự án Xây dựng đường D1 tại TP.HCM yêu cầu trưởng đoàn kiểm toán phải có chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu. Ảnh minh họa: Hưng Thịnh

Tuy nhiên, Nhà thầu phản ánh, tiêu chí nhân sự chủ chốt cũng như cơ cấu thang điểm đánh giá có nhiều bất cập. Gói thầu do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM làm chủ đầu tư, trực tiếp mời thầu.

Theo các nhà thầu, quy định về uy tín của nhà thầu trong HSMT rất phi lý. Cụ thể, HSMT quy định về tiêu chí số lượng kiểm toán viên đang làm việc tại đơn vị kiểm toán tới thời điểm nộp hồ sơ dự thầu (HSDT) có chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán do Bộ Tài chính cấp còn hiệu lực, trong đó phải có ít nhất 3 kiểm toán viên là kỹ sư thuộc các chuyên ngành xây dựng, kiến trúc. Nhà thầu có từ 21 người trở lên đạt 2 điểm, từ 11 đến 20 người đạt 1,5 điểm và từ 5 đến 10 người đạt 1 điểm, dưới 5 người đạt 0 điểm. Các nhà thầu cho rằng, yêu cầu nhà thầu phải có 21 nhân sự có chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán là mặc định đến một nhà thầu có số lượng cụ thể từ trước.

Bên cạnh đó, HSMT đặt ra rất nhiều tiêu chí đối với vị trí trưởng đoàn kiểm toán, gây khó khăn cho nhà thầu. Cụ thể, nhân sự này phải có chứng chỉ kiểm toán viên do Bộ Tài chính cấp và giấy chứng nhận đăng ký hành nghề kiểm toán do Bộ Tài chính cấp còn hiệu lực, có chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu còn hiệu lực và có chứng chỉ kỹ sư định giá hạng II trở lên còn hiệu lực (tối đa 15 điểm). Số năm kinh nghiệm từ khi có chứng chỉ kiểm toán viên từ 21 năm trở lên đạt 2 điểm (tức điểm tối đa). Còn từ 10 đến 20 năm đạt 1 điểm, dưới 10 năm đạt 0 điểm.

Vị trí này cũng yêu cầu, nếu là thạc sỹ các ngành kinh tế đạt 0,5 điểm, có bằng đại học chuyên ngành xây dựng công trình giao thông hoặc kiến trúc đạt 1,5 điểm, có thẻ thẩm định viên về giá trên 10 năm đạt 1 điểm, có bằng đại học chuyên ngành luật đạt 1 điểm.

Theo nhà thầu, một vị trí mà HSMT yêu cầu đến 3 bằng đại học của 3 chuyên ngành khác nhau: kinh tế, xây dựng và luật với số năm kinh nghiệm đến 21 năm và hàng loạt bằng cấp chứng chỉ khác để đạt điểm tối đa đặt ra câu hỏi về sự khách quan, cạnh tranh trong lựa chọn nhà thầu.

Khung điểm đánh giá về số hợp đồng đã thực hiện của trưởng đoàn kiểm toán cũng có sự chênh lệch rất lớn. Nếu đã thực hiện từ 5 hợp đồng trở lên đạt 9 điểm, nhưng từ 2 hợp đồng chỉ đạt 6 điểm.

Vị trí tổ trưởng phụ trách về tài chính, từ 16 năm kinh nghiệm trở lên đạt 2 điểm, từ 10 đến 15 năm đạt 1 điểm, còn dưới 10 năm đạt 0 điểm.

Điều bất cập của HSMT là bất kỳ nhân sự nào trong đoàn kiểm toán có kinh nghiệm dưới 10 năm đều bị chấm 0 điểm. “Nếu nhân sự đã có kinh nghiệm 9 năm 11 tháng vẫn bị đánh giá 0 điểm như vậy là cực kỳ bất cập”, một nhà thầu khẳng định.

Nhà thầu nhận định, cơ cấu thang điểm của HSMT khiến không ít nhà thầu lĩnh vực kiểm toán rơi vào điểm liệt, hoặc chỉ hơn 60 điểm trên thang điểm 100.

Trao đổi với Báo Đấu thầu, đại diện Hội Kiểm toán viên hành nghề Việt Nam cho biết, trong lĩnh vực kiểm toán, quy định về đăng ký hành nghề kiểm toán viên không bắt buộc kiểm toán viên phải có các chứng chỉ hành nghề ở các lĩnh vực khác như xây dựng, đấu thầu, do các công việc này không thuộc phạm vi thực thi nhiệm vụ của đơn vị kiểm toán độc lập cũng như trách nhiệm của kiểm toán viên. Việc đưa ra các tiêu chí kép về các chứng chỉ hành nghề, hoặc các bằng cấp khác trong HSMT có thể dẫn đến tình trạng cạnh tranh không lành mạnh giữa các nhà thầu kiểm toán.

Trong khi đó, trả lời Báo Đấu thầu, bà Phạm Minh Yến, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ đấu thầu (Cục Quản lý đấu thầu - Bộ Kế hoạch và Đầu tư) khẳng định, yêu cầu trưởng đoàn kiểm toán hay bất kỳ vị trí nào trong đoàn kiểm toán phải có chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu là chưa phù hợp. Bởi Khoản 2, Điều 16 Luật Đấu thầu đã quy định cá nhân tham gia trực tiếp vào việc lập hồ sơ mời quan tâm, hồ sơ mời sơ tuyển, HSMT, hồ sơ yêu cầu, đánh giá hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, HSDT, hồ sơ đề xuất thuộc tổ chức đấu thầu chuyên nghiệp, doanh nghiệp, đơn vị hoạt động tư vấn đấu thầu, ban quản lý dự án chuyên nghiệp mới yêu cầu chứng chỉ hành nghề hoạt động đấu thầu.

Chuyên đề