Gói thầu giao thông tại Quảng Trị: Nhà thầu phản ứng yêu cầu nguồn cung vật liệu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Quảng Trị (chủ đầu tư, trực tiếp mời thầu) đang phát hành hồ sơ mời thầu (HSMT) qua mạng Gói thầu VB-XL03 Thi công xây dựng đoạn Km0+00 - Km3+700 thuộc đoạn tuyến từ đường ven biển đến trung tâm TP. Đông Hà thuộc Dự án Đường ven biển kết nối hành lang kinh tế Đông Tây, tỉnh Quảng Trị - giai đoạn 1. Quá trình phát hành HSMT ghi nhận phản ánh của nhà thầu về yêu cầu nguồn cung vật liệu gây hạn chế cạnh tranh.
Gói thầu VB-XL03 có giá dự toán 120,272 tỷ đồng, thuộc Dự án Đường ven biển kết nối hành lang kinh tế Đông Tây, tỉnh Quảng Trị - giai đoạn 1. Ảnh minh họa: Tiên Giang
Gói thầu VB-XL03 có giá dự toán 120,272 tỷ đồng, thuộc Dự án Đường ven biển kết nối hành lang kinh tế Đông Tây, tỉnh Quảng Trị - giai đoạn 1. Ảnh minh họa: Tiên Giang

Gói thầu có giá dự toán 120,272 tỷ đồng, phát hành HSMT từ ngày 26/3 - 16/4/2022. Đơn vị tư vấn lập HSMT là Công ty CP Tư vấn đầu tư và Xây dựng BRC.

Theo phản ánh của nhà thầu, trong số các tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật, đối với đất đắp nền đường, HSMT yêu cầu nhà thầu có mỏ đất đắp trên địa bàn tỉnh Quảng Trị hoặc hợp đồng với đơn vị, cá nhân có mỏ đất đắp trên địa bàn tỉnh Quảng Trị; thời hạn khai thác mỏ đất có hiệu lực đến hết ngày 31/12/2023, bảo đảm trữ lượng, chất lượng cung cấp cho Gói thầu (kèm theo tài liệu chứng minh). Nội dung này được áp dụng đánh giá theo tiêu chí đạt/không đạt.

Theo nhà thầu kiến nghị, “đất đắp” là vật liệu có sẵn trên thị trường, nếu các chủ mỏ đất đắp có giấy phép ở Quảng Trị không thiện chí và không ký hợp đồng nguyên tắc với nhà thầu thì HSDT sẽ bị đánh giá là không đạt và bị loại. “Vì sao nhà thầu không được vận chuyển đất đắp từ các mỏ ở địa phương lân cận”, nhà thầu băn khoăn.

Trong văn bản phúc đáp nhà thầu, Bên mời thầu cho biết, Dự án cần khối lượng đất đắp rất lớn (hơn 1.900.000 m3), riêng gói thầu này khối lượng đất đắp hơn 240.000 m3 nên Ban đã cân nhắc đưa tiêu chí mỏ vật liệu vào trong yêu cầu đánh giá nhằm bảo đảm về khả năng sẵn sàng, tránh thụ động khi trúng thầu xong không có vật liệu để thi công, làm chậm tiến độ của dự án. Thời hạn yêu cầu đến ngày 31/12/2023 vì theo tiến độ thực hiện của Gói thầu, đến thời điểm đó phải hoàn thành toàn bộ công tác đắp đất. Do vậy, Bên mời thầu bảo lưu tiêu chí đưa ra trong HSMT.

Theo chuyên gia đấu thầu, việc đưa ra quy định như trên dễ dẫn đến hạn chế cạnh tranh trong đấu thầu. HSMT nên đưa tiêu chí mở rộng hơn, không chỉ địa bàn tỉnh Quảng Trị mà có thể là các địa phương lân cận. Trường hợp này, khi nhà thầu đề xuất nguồn cung ngoài địa phương, nếu có tài liệu chứng minh được khả năng đáp ứng về trữ lượng của mỏ đất đắp; khả năng huy động nguồn vật liệu này cho quá trình thi công, biện pháp thi công tại HSDT hợp lý… thì vẫn có thể chấp nhận được.

Trong thời gian gần đây, yêu cầu về vật liệu đất đắp trên địa bàn một địa phương đã không ít lần được đưa vào HSMT và vấp phải sự phản đối của nhà thầu. Lý do là qua khảo sát tìm kiếm nguồn cung, nhà thầu nhận thấy, một số tỉnh có số lượng mỏ đất rất ít. Do đó, không loại trừ trường hợp có sự cạnh tranh không bình đẳng giữa các nhà thầu địa phương và ngoại tỉnh trong việc đàm phán ký kết hợp đồng nguyên tắc với các mỏ đất để bảo đảm điều kiện dự thầu.

Chuyên đề