Gói thầu bảo hiểm công trình Cà Mau: Bất đồng về lý do trượt thầu

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Bất đồng quan điểm về bố trí nhân sự chủ chốt dẫn đến kiến nghị giằng co giữa nhà thầu và bên mời thầu (BMT) về lý trượt thầu tại Gói thầu số 69 Bảo hiểm công trình xây dựng Hồ chứa nước ngọt thuộc Tiểu dự án 8 Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để phòng chống xói lở bờ biển, cung cấp nước ngọt và phục vụ nuôi tôm, rừng vùng ven biển tỉnh Cà Mau. Tiểu dự án 8 thuộc Dự án Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (ICRSL).
Gói thầu số 69 Bảo hiểm công trình xây dựng Hồ chứa nước ngọt do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau làm chủ đầu tư. Ảnh minh họa: Tiên Giang
Gói thầu số 69 Bảo hiểm công trình xây dựng Hồ chứa nước ngọt do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau làm chủ đầu tư. Ảnh minh họa: Tiên Giang

Gói thầu nêu trên do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Cà Mau làm chủ đầu tư, Ban Quản lý các dự án ODA và NGO tỉnh Cà Mau (Ban ODA Cà Mau) làm BMT, có dự toán hơn 1,5 tỷ đồng, phát hành hồ sơ mời thầu (HSMT) từ ngày 22/11 - 13/12/2021, áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi trong nước.

Có 3 nhà thầu tham dự, trong đó Liên danh Tổng công ty CP Bảo hiểm Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam - Tổng công ty CP Bảo hiểm Bảo Long - Tổng công ty CP Bảo hiểm ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Liên danh BIC – BLI - VBI) có giá dự thầu thấp nhất (1.063.165.893 đồng).

Theo Báo cáo đánh giá HSDT, về tính hợp lệ của HSDT, Liên danh BIC - BLI - VBI bị đánh giá không đạt ở Thỏa thuận liên danh vì “thành viên Liên danh không bố trí nhân sự thực hiện Gói thầu gây bất lợi cho Chủ đầu tư”.

Không đồng tình với đánh giá này, ngày 9/2/2022, Liên danh BIC – BLI - VBI có văn bản kiến nghị gửi BMT. Liên danh cho rằng: Theo Thỏa thuận liên danh đính kèm HSDT thì khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, thành viên đứng đầu Liên danh sẽ sử dụng nhân sự của mình thực hiện công tác tiếp nhận thông tin, bố trí giám định và phối hợp trực tiếp cùng Chủ đầu tư để đưa ra kết quả cuối cùng. Các thành viên khác của Liên danh có trách nhiệm tuân thủ mọi quyết định của thành viên đứng đầu Liên danh trong quá trình thực hiện hợp đồng và giải quyết tổn thất. Thêm nữa, HSMT chỉ quy định nhà thầu bố trí 1 nhân sự phụ trách và 2 cán bộ quản lý chuyên môn nhưng không quy định trong trường hợp liên danh thì từng thành viên liên danh phải đáp ứng. BIC (thành viên đứng đầu Liên danh) bố trí toàn bộ nhân sự để thực hiện Dự án là không vi phạm quy định của HSMT và không gây bất lợi cho Chủ đầu tư.

Trong các ngày 14 và 16 tháng 2/2022, BMT phát hành 2 văn bản phúc đáp Nhà thầu, cho rằng: HSMT quy định tiêu chí đánh giá về nhân sự chủ chốt gồm tối thiểu 3 nhân sự, bao gồm: quản lý chung, điều hành thực hiện hợp đồng (tối thiểu 1 người); chuyên viên giám định, xử lý tổn thất và giải quyết bồi thường, tái bảo hiểm (tối thiểu 2 người). Mặt khác, theo Thỏa thuận liên danh đính kèm HSDT thì BIC đứng đầu Liên danh thực hiện 50% tổng giá dự thầu, sử dụng nhân sự của mình để thực hiện toàn bộ Gói thầu; BLI thực hiện 25% và VBI thực hiện 25% nhưng không bố trí nhân sự thực hiện phần việc đảm nhiệm. Do đó, Tổ chuyên gia đánh giá Thỏa thuận liên danh không hợp lệ và HSDT không đáp ứng yêu cầu của HSMT.

Không đồng tình với cách lý giải của BMT, trong các ngày 18, 21 tháng 2/2022 và 23/3/2022 đại diện Liên danh BIC – BLI - VBI tiếp tục có các văn bản kiến nghị BMT, Chủ đầu tư xem xét lại kết quả lựa chọn nhà thầu; đồng thời phản ánh tới Báo Đầu thầu.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Sol, Giám đốc Ban ODA Cà Mau cho biết: trước kiến nghị của Liên danh, Ban đã có văn bản trả lời theo quy định giải quyết kiến nghị trong đấu thầu. Tuy nhiên, Nhà thầu chưa hài lòng và tiếp tục kiến nghị tới Chủ đầu tư. “Chủ đầu tư đang xử lý và sẽ có văn bản trả lời Nhà thầu trong vài ngày tới”, ông Sol nói và khẳng định Tổ chuyên gia đã đánh giá HSDT đảm bảo khách quan và đúng quy định của HSMT.

Về trường hợp nêu trên, một chuyên gia về đấu thầu cho biết, việc loại nhà thầu phải căn cứ tiêu chí đưa ra trong HSMT. Lĩnh vực bảo hiểm có đặc thù riêng, khi phát sinh sự kiện bảo hiểm thì nhà thầu mới tổ chức nhân sự để triển khai đánh giá và thực hiện phần công việc của mình. Do đó, nếu HSMT không quy định cụ thể về việc từng thành viên liên danh phải bố trí nhân sự đảm nhận phần công việc được phân chia trong thỏa thuận liên danh thì chưa có cơ sở để loại nhà thầu.

Chuyên đề