Nhà đầu tư theo dõi giao dịch tại sàn giao dịch Công ty Chứng khoán Vietcombank. Ảnh: TTXVN |
Theo Sở Giao Dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), hoạt động giám sát trên thị trường chứng khoán phái sinh được thực hiện như trên thị trường cơ sở nhằm phát hiện và ngăn chặn những hành vi giao dịch bất thường có dấu hiệu ảnh hưởng tới giá trị đích thực của chứng khoán phái sinh.
Về cơ bản, hoạt động giám sát trên thị trường chứng khoán phái sinh được thực hiện liên tục thông qua các cảnh báo trong ngày và đánh giá phân tích trên cơ sở dữ liệu giao dịch nhiều ngày.
Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội cho biết, mục tiêu của giám sát không chỉ là phát hiện các hành vi vi phạm mà còn sớm có cảnh báo các dấu hiệu có thể trở thành hành vi vi phạm, nhằm bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư trên thị trường và sự phát triển bền vững của thị trường này.
Các đối tượng chính tham gia thị trường chứng khoán phái sinh gồm có: thành viên giao dịch phái sinh, thành viên bù trừ, ngân hàng thanh toán và nhà đầu tư (tổ chức và cá nhân).
Hiện nay, Bộ Tài chính đang xây dựng dự thảo Thông tư thay thế Thông tư số 13/2013/TT-BTC ngày 25/01/2013 về Giám sát giao dịch chứng khoán trên thị trường chứng khoán.
Trước khi thị trường chứng khoán phái sinh đi vào hoạt động, ngày 2/8/2017, Bộ Tài chính đã ban hành Quyết định số 1520/QĐ-BTC về tổ chức công tác giám sát hoạt động giao dịch trên thị trường chứng khoán phái sinh.
Theo đó, 3 đơn vị có trách nhiệm giám sát trên thị trường chứng khoán phái sinh là Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội và Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD).
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chịu trách nhiệm xây dựng một hành lang pháp lý hoàn chỉnh nhằm quản lý, giám sát thị trường chứng khoán phái sinh để việc giao dịch được diễn ra công khai, minh bạch và công bằng, đảm bảo phát triển thị trường chứng khoán phái sinh một cách bền vững, đồng thời bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư trên thị trường.
Ủy ban Chứng khoán Nhà nước ban hành các văn bản pháp quy về chứng khoán phái sinh, cấp phép hoạt động của các tổ chức kinh doanh, cung cấp dịch vụ; chấp thuận niêm yết các sản phẩm phái sinh (phê chuẩn hợp đồng).
Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội với vai trò là cơ quan vận hành thị trường, chịu trách nhiệm xây dựng hệ thống giám sát và tổ chức thực hiện việc giám sát thị trường, xây dựng hệ thống giao dịch chứng khoán phái sinh, xây dựng mẫu hợp đồng và chịu trách nhiệm tổ chức vận hành thị trường, quản lý các hoạt động giao dịch và giám sát các hoạt động giao dịch chứng khoán phái sinh.
Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội cho biết, hoạt động giám sát tại Sở hiện nay đã phát triển cả công tác giám sát liên thị trường nhằm đảm bảo các tác động giữa thị trường cơ sở và thị trường chứng khoán phái sinh được thông suốt và các hoạt động giao dịch có dấu hiệu bất thường giữa hai thị trường được kiểm soát chặt chẽ.
Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam đóng vai trò trung tâm thanh toán bù trừ theo cơ chế đối tác bù trừ trung tâm trên thị trường chứng khoán phái sinh Việt Nam.
Cơ chế bù trừ trung tâm cho phép quy trình bù trừ, thanh toán chứng khoán phái sinh diễn ra thuận lợi, an toàn và công bằng cho các bên tham gia.
Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam xây dựng các trạm kiểm soát cho hoạt động bù trừ, thanh toán giao dịch chứng khoán phái sinh thông qua quy định chặt chẽ công tác quản lý và giám sát việc duy trì các mức ký quỹ; xác định, điều chỉnh giới hạn vị thế đối với thành viên bù trừ, nhà đầu tư theo quy định.
Việc thanh toán trên thị trường chứng khoán phái sinh được thực hiện qua một ngân hàng thanh toán là Ngân hàng Công Thương Việt Nam (Vietinbank).
Ngân hàng thanh toán có nghĩa vụ thực hiện hạch toán và chuyển khoản cho các tài khoản giao dịch sản phẩm phái sinh theo kết quả về việc hạch toán hàng ngày và trong ngày thanh toán cuối cùng nhận được từ Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam.
Về mặt hệ thống, Vietinbank và Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam liên kết với nhau để đảm bảo việc giám sát giá trị tài khoản thực của khách hàng đạt hiệu quả tối ưu.
Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam giám sát thành viên lưu ký, thành viên bù trừ trong việc tuân thủ các quy định pháp luật về chứng khoán và thị trường chứng khoán trong triển khai các hoạt động nghiệp vụ liên quan đến trung tâm; giám sát tỷ lệ sử dụng tài sản ký quỹ theo từng tài khoản của nhà đầu tư, thành viên bù trừ; giám sát về giới hạn vị thế của nhà đầu tư khi tham gia giao dịch chứng khoán phái sinh.
Trường hợp phát hiện dấu hiệu bất thường trong thanh toán giao dịch hoặc dấu hiệu nhà đầu tư, thành viên bù trừ mất khả năng thanh toán, Trung tâm Lưu ký Chứng khoán sẽ cảnh báo, yêu cầu thành viên bù trừ giải trình, cung cấp tài liệu và thông tin liên quan và kịp thời báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và thông báo cho Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội. Đồng thời, thông báo kịp thời cho sở giao dịch chứng khoán các trường hợp vi phạm tỷ lệ sử dụng tài sản ký quỹ, vi phạm giới hạn vị thế.
Trung tâm Lưu ký Chứng khoán cũng phối hợp với Ủy ban Chứng khoán Nhà nước kiểm tra định kỳ hoặc bất thường đối với các đối tượng giám sát thuộc phạm vi quản lý của mình; xử lý theo thẩm quyền các trường hợp vi phạm, báo cáo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử lý theo quy định pháp luật trong trường hợp vượt quá thẩm quyền; lập và gửi Ủy ban Chứng khoán Nhà nước báo cáo giám sát định kỳ, bất thường, theo yêu cầu và báo cáo phục vụ công tác giám sát...
Theo Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội, nhà đầu tư chỉ được phép tham gia giao dịch và thanh toán hợp đồng tương lai thông qua thành viên giao dịch và thành viên bù trừ của thị trường chứng khoán phái sinh tại Việt Nam.