Giải quyết phá sản doanh nghiệp - điểm trừ của môi trường kinh doanh

(BĐT) - “Điểm trừ lớn nhất của môi trường kinh doanh Việt Nam trong 5 năm thực hiện Nghị quyết số 19 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia là Chỉ số giải quyết phá sản doanh nghiệp không có sự cải thiện, thậm chí đi xuống”. 
Hội thảo Môi trường kinh doanh Việt Nam: Nhìn lại 5 năm thực hiện Nghị quyết 19 diễn ra vào ngày 2/11/2018
Hội thảo Môi trường kinh doanh Việt Nam: Nhìn lại 5 năm thực hiện Nghị quyết 19 diễn ra vào ngày 2/11/2018

Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh thuộc Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) nhấn mạnh thông tin này tại Hội thảo môi trường kinh doanh Việt Nam: Nhìn lại 5 năm thực hiện Nghị quyết 19, được tổ chức ngày 2/11, tại Hà Nội.

Trao đổi với  Báo Đấu thầu về nội dung này, bà Thảo nhấn mạnh, 5 năm qua, Chính phủ nhận thấy Chỉ số giải quyết phá sản doanh nghiệp là chỉ số rất kém, cần phải được nỗ lực thay đổi. Chỉ số này không chỉ liên quan đến Chính phủ mà còn liên quan đến các hoạt động của tòa án. Tuy nhiên, thời gian qua, chúng ta vẫn chưa nhìn thấy những cải cách trong hoạt động tòa án cũng như chưa có cơ chế cho doanh nghiệp khi lâm vào tình trạng phá sản có thể phục hồi hoặc nếu không phục hồi được thì thủ tục phá sản nhanh hơn. Bà Thảo cho rằng, những cơ chế, thủ tục phá sản như hiện nay khiến DN gặp khó khăn trong thực hiện thủ tục phá sản. Để cải cách chỉ số này, Chính phủ cần phối hợp với ngành tòa án để thực hiện cải cách thủ tục tốt hơn.

Theo Bảng xếp hạng Doing Business - Môi trường kinh doanh năm 2019 do Ngân hàng Thế giới vừa công bố, Chỉ số giải quyết phá sản doanh nghiệp đạt 34.93 điểm, giảm 0.23 điểm, xếp hạng thứ 133/190 quốc gia, giảm 4 bậc trong Bảng xếp hạng. Đây cũng là chỉ số được đánh giá thấp nhất trong số 10 chỉ số được đánh giá tại Bảng xếp hạng.

Chuyên đề