Giải ngân vốn đầu tư công quý I/2022 chậm vì sao?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Những số liệu về giải ngân vốn đầu tư công quý I/2022 cho thấy, cùng một cơ chế, chính sách, có những bộ, ngành, địa phương giải ngân tốt, có những bộ địa phương giải ngân rất thấp, thậm chí chưa giải ngân. Điều đó cho thấy nguyên nhân từ chủ quan là rất lớn. 
Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, quý I/2022, giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước ước thanh toán đến ngày 31/3/2022 là 61.536 tỷ đồng, đạt 11,88% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2021 (đạt 13,17%). Trong đó, vốn trong nước đạt 12,66%, vốn nước ngoài đạt 0,99%. Một số bộ, địa phương giải ngân tốt và cũng là các bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân năm 2021 đạt mức cao như Thái Bình, Quảng Ninh, Ninh Bình, Bà Rịa - Vũng Tàu, Lào Cai, Trà Vinh, Lâm Đồng, Bến Tre, Nam Định,… Có 29 bộ, cơ quan trung ương chưa giải ngân kế hoạch đầu tư vốn NSNN năm 2022.

Việc giải ngân chậm một phần là do có một số dự án khởi công mới đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục đấu thầu, chấm thầu, thương thảo hợp đồng. Tuy nhiên, nguyên nhân chủ yếu là do trách nhiệm của các chủ đầu tư, một số bộ, cơ quan trung ương và địa phương chưa thực sự quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, kịp thời ban hành các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thi công. Trong thực tế, cùng một cơ chế, chính sách, có những bộ, ngành, địa phương giải ngân tốt, có những bộ địa phương giải ngân rất thấp.

Bên cạnh đó, một yếu tố khách quan đang tác động tiến độ giải ngân vốn, lặp lại tương tự những tháng đầu năm 2021, giá vật tư, vật liệu xây dựng sắt thép, cát đá, xi măng… tăng làm cho tiến độ thi công dự án bị chậm lại, thi công theo kiểu cầm chừng để chờ giảm giá vì nếu thi công các nhà thầu sẽ bị lỗ so với giá trúng thầu.

Về giải pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai quyết liệt các giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, tháo gỡ kịp thời khó khăn, vướng mắc liên quan đến đất đai, tài nguyên. Đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ thi công; thực hiện nghiệm thu, lập hồ sơ thanh toán ngay khi có khối lượng. Rà soát, điều chuyển kế hoạch vốn giữa các dự án chậm giải ngân sang các dự án có tiến độ giải ngân tốt, còn thiếu vốn. Thành lập Tổ công tác thúc đẩy giải ngân trong từng bộ, cơ quan, địa phương. Xử lý nghiêm các trường hợp nhà thầu vi phạm tiến độ, chất lượng hợp đồng. Tổ chức giao ban định kỳ hàng tuần với các cơ quan chủ quản, chủ đầu tư về tình hình thực hiện các dự án, giải ngân kế hoạch đầu tư công. Kịp thời chỉ đạo ban hành đơn giá xây dựng phù hợp với tình hình, điều chỉnh dự toán, vốn đầu tư của các nhiệm vụ, dự án theo đúng quy định.

Báo cáo tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3/2022 diễn ra ngày 4/4/2022, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xin ý kiến Chính phủ giao Bộ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính trình cấp có thẩm quyền điều chuyển vốn kế hoạch đầu tư công năm 2022 của các bộ, cơ quan trung ương, địa phương đến hết ngày 31/3/2022 chưa phân bổ chi tiết kế hoạch đầu tư công năm 2022 được giao; đến hết ngày 31/5/2022 chưa giải ngân kế hoạch vốn được giao; đến hết ngày 31/5/2022 chưa làm thủ tục thanh toán toàn bộ số vốn ứng trước và nợ đọng xây dựng cơ bản được giao trong năm 2022.

Kết luận tại phiên họp Chính phủ tháng 3/2022, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu rõ các bộ trưởng, trưởng ngành, thủ trưởng cơ quan ngang bộ cần tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, giải ngân vốn ODA. Tiếp tục rà soát, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách đầu tư công. Đầu tư công phải dứt khoát không manh mún, chia cắt, dàn trải, kéo dài, làm mất thời gian, tăng thủ tục hành chính, giảm hiệu quả đầu tư. Thủ tướng cũng đề nghị các cơ quan thông tấn, báo chí vào cuộc tích cực, mạnh mẽ hơn về nội dung này.

Chuyên đề