Giải ngân đầu tư công tốt, tăng trưởng có thể đạt 3,8%

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Trong “cỗ xe tam mã” để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế từ nay đến cuối năm, đầu tư công được xem là động cơ mũi nhọn và có nhiều ưu điểm trong bối cảnh tiêu dùng và xuất khẩu khó có cơ hội hồi phục sớm. Do đó, tìm giải pháp đột phá, đủ nhanh để giải ngân đầu tư công, mang lại động lực phát triển cho nền kinh tế là vấn đề cấp thiết lúc này.
Việc thúc đẩy đầu tư công phải đảm bảo yếu tố tiên quyết là
hiệu quả, tạo giá trị lan tỏa đầu tư, tiêu dùng toàn xã hội. Ảnh: Lê Tiên
Việc thúc đẩy đầu tư công phải đảm bảo yếu tố tiên quyết là hiệu quả, tạo giá trị lan tỏa đầu tư, tiêu dùng toàn xã hội. Ảnh: Lê Tiên

Nhận định này được PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo - Trưởng khoa Tài chính thuộc Trường Đại học Kinh tế TP.HCM nhấn mạnh tại Tọa đàm Công bố Báo cáo kinh tế vĩ mô quý II và 6 tháng đầu năm 2020 diễn ra ngày 21/7/2020, tại Hà Nội.

Theo ông Bảo, về tiêu dùng, thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang đối phó với nguy cơ thất bại tổng cầu, nói nôm na là không có tiền. Vì không có tiền nên phải cắt giảm chi tiêu không cần thiết, do đó cũng không thể bán hàng, xuất khẩu hàng hóa. Trong bối cảnh khó khăn như vậy, dù các nhà hoạch định chính sách đang hết sức nỗ lực để kích cầu tiêu dùng nội địa nhưng e rằng khó đạt được.

“Còn với đầu tư công, lượng tiền bơm ra chắc chắn sẽ được nền kinh tế hấp thụ hết. Nguồn tiền này là cú hích quan trọng để kích thích nền kinh tế, tạo ra công ăn việc làm, tạo thu nhập, giải quyết đầu ra cho các ngành công nghiệp, sản xuất. Và điều quan trọng nhất là hàng hóa công được tạo ra như cầu đường, trường học, bệnh viện và các công trình công cộng sẽ nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và tạo ra một bầu không khí lạc quan hơn, kích thích đầu tư toàn xã hội”, ông Bảo nói.

Tuy nhiên, theo vị chuyên gia này, hiện vẫn còn một số rào cản đối với giải ngân vốn đầu tư công. Trong khi đó, đây là lúc cần có giải pháp đột phá, đủ lực, đủ nhanh để giải ngân vốn đầu tư công, mang lại động lực phát triển cho nền kinh tế.

Theo PGS.TS Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng thuộc Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), thúc đẩy đầu tư công không nên là việc tăng chi tiêu công một cách dàn trải, vội vàng, thiếu kiểm soát. Nên đẩy nhanh những dự án, đặc biệt là các dự án trọng điểm quốc gia, đã được phê duyệt và đã được bố trí sẵn vốn thực hiện.

Ngoài ra, theo PGS.TS Phạm Thế Anh, một cơ hội nữa để phối hợp chính sách lúc này là thúc đẩy các dự án xây dựng hạ tầng liên quan đến các khu công nghiệp, thông qua chính sách tín dụng hướng tới lĩnh vực này để có thể tạo động lực cho các nhà đầu tư tư nhân và quốc tế đầu tư tại Việt Nam. Trong ngắn hạn, việc xây dựng các khu công nghiệp có tác dụng kích thích tổng cầu. Trong dài hạn, các khu công nghiệp đi vào hoạt động sẽ củng cố tổng cung.

Đồng thuận với quan điểm thúc đẩy đầu tư công là cần thiết trong bối cảnh hiện nay, TS. Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia lưu ý, không nên thúc đẩy bằng mọi giá, mà vẫn phải đảm bảo yếu tố tiên quyết là hiệu quả, tạo giá trị lan tỏa đầu tư, tiêu dùng toàn xã hội. Đây là giải pháp mà nhiều nước đã thực hiện trong thời gian qua để hỗ trợ nền kinh tế. Rõ nhất là Trung Quốc, họ đã phục hồi rất mạnh, một phần nhờ vào thúc đẩy đầu tư công và đã đạt được mức tăng trưởng khá ấn tượng trong quý II/2020. Đây là một hàm ý chính sách tốt, một kinh nghiệm đáng tham khảo cho Việt Nam.

Nếu từ nay đến cuối năm làm tốt được các vấn đề trên, trong đó có đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công như mong đợi, Nhóm nghiên cứu của VEPR dự báo, tăng trưởng kinh tế nhiều khả năng có thể đạt tới 3,8%, và kịch bản thấp nhất là 2,2% do những diễn biến bất lợi của bệnh dịch. Còn theo dự báo của TS. Cấn Văn Lực, tăng trưởng cả năm 2020 có thể đạt khoảng 3%, tích cực nhất là 4% - khó xảy ra, tiêu cực nhất là 1,5%.

Chuyên đề