Giải bài toán thiếu hụt lao động sau dịch

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Nhiều địa phương đang dần mở lại các hoạt động kinh tế. Một trong những khó khăn của doanh nghiệp (DN) là thiếu hụt nhân lực bởi nhiều người lao động chưa sẵn sàng quay trở lại làm việc. Trao đổi với Báo Đấu thầu về trở ngại này, nhiều ý kiến cho rằng, nỗ lực thu hút lao động của DN cần sự chung tay hỗ trợ từ các bộ, ngành, địa phương.

Đề xuất ưu tiên tiêm đủ 2 mũi vaccine cho nhân sự doanh nghiệp xây dựng

Ông Phạm Văn Thành, Phó Tổng giám đốc Công ty CP Constrexim số 1 (CONFITECH)

Một số địa phương đã nới lỏng các biện pháp phòng, chống dịch, nhưng DN xây dựng vẫn phải đối mặt với việc thiếu nhân sự thực hiện các gói thầu, dự án khi các công trường được hoạt động trở lại. Đơn cử, một số tỉnh, thành yêu cầu cán bộ công nhân viên của DN khi vào địa phương phải có xét nghiệm PCR. Đặc biệt, một số nơi còn yêu cầu phải tiêm 2 mũi vaccine hoặc có thẻ xanh nên rất khó khăn cho DN trong việc huy động nhân lực.

Khó khăn nêu trên cộng thêm việc vận tải hành khách liên tỉnh chưa nối lại; vận chuyển vật tư, vật liệu, di chuyển xe máy thi công qua những khu vực, địa phương khác nhau bị kiểm soát ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất của DN.

Trong ngắn hạn, để huy động được nguồn nhân lực cho các công trình xây dựng tại các địa phương, DN đã có hỗ trợ chi phí xét nghiệm, bố trí phương tiện vận chuyển nhân lực để đảm bảo cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, ưu tiên tuyển nhân sự tại địa phương (mặc dù số lượng hạn chế và phải trả thêm thu nhập cho người lao động).

Để tạo điều kiện sản xuất, kinh doanh trở lại, DN đề xuất ưu tiên khẩn trương tiêm 2 mũi vaccine Covid-19 cho toàn bộ cán bộ công nhân viên của các DN xây lắp và DN phụ trợ (nhà cung cấp, nhà thầu phụ…); thay đổi xét nghiệm PCR bằng xét nghiệm nhanh để giảm chi phí và thời gian cho DN; nối lại vận tải hành khách liên tỉnh để tạo thuận lợi cho việc di chuyển của nhân sự giữa các địa phương.

Sớm hướng dẫn lộ trình trở lại trạng thái bình thường mới

Ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10

Hiện nay, Chính phủ đã chuyển trạng thái từ “zero Covid” sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19. Đồng thời, Chính phủ đang khẩn trương xây dựng hướng dẫn để các địa phương, DN thực hiện chủ trương trên. Đối với cộng đồng DN nói chung và May 10 nói riêng, đây là một chuyển biến mang lại cơ hội, giúp các DN, trong đó có DN sử dụng nhiều lao động, khôi phục lại sản xuất kinh doanh sau những tác động bất lợi của dịch bệnh. Trong đợt dịch vừa qua, Xí nghiệp May Hà Quảng của Tổng công ty đã phải tạm dừng sản xuất khoảng 1 tháng và đã được hoạt động trở lại từ ngày 25/9.

Điều mong muốn nhất hiện nay là Chính phủ sớm hướng dẫn lộ trình trở lại trạng thái bình thường mới để thống nhất thực hiện. Trong quá trình thực hiện, DN cũng mong các địa phương thực hiện thống nhất, tránh tình trạng mỗi nơi một kiểu… gây khó khăn cho DN.

Về phía May 10, chúng tôi ý thức hết sức rõ ràng là sản xuất là phải an toàn, an toàn thì mới sản xuất. Theo đó, DN không lơ là, chủ quan trong phòng chống dịch với việc siết chặt công tác phòng chống dịch bệnh, liên tục thực hiện 5K, kể cả khi cán bộ, công nhân đều đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine.

DN đang bước vào mùa sản xuất cao điểm, lượng đơn hàng rất nhiều. Bên cạnh việc thắt chặt công tác đảm bảo an toàn cho sản xuất, May 10 cũng linh hoạt trong việc thực hiện kế hoạch sản xuất để có thể cho người lao động tăng ca, làm thêm giờ, vừa giúp DN hoàn thành đơn hàng xuất khẩu bị chậm vừa tăng thu nhập cho người lao động.

Với tiêu dùng trong nước, May 10 đang mong mỏi mở cửa trở lại các chuỗi cửa hàng thời trang cũng như các cơ sở đào tạo của mình.

Giảm thiểu biện pháp kiểm soát gây khó khăn cho người lao động

Bà Đỗ Thị Thúy Hương, Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI)

Đa số DN đều tán thành với quan điểm của Thủ tướng Chính phủ về việc cần thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, trong đó DN có vai trò là một chủ thể trong phòng, chống dịch và phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, một số biện pháp chống dịch đang gây khó khăn cho DN trong việc tổ chức sản xuất, kinh doanh, gây thiếu hụt lao động… Trong khi đó, muốn có đơn hàng thì doanh nghiệp phải cam kết đảm bảo đủ lực lượng lao động.

Giải pháp hỗ trợ tốt nhất là chính quyền các cấp tạo điều kiện cho công nhân, người lao động đi làm bình thường, giảm thiểu những biện pháp kiểm soát gây khó khăn, mất thời gian và tốn chi phí của DN, giúp lưu thông hàng hóa.

Vấn đề mà DN cần nhất lúc này là có hướng dẫn áp dụng các điều kiện tổ chức sản xuất an toàn trong tình hình mới và kế hoạch mở cửa của các địa phương để DN chủ động phương án sản xuất, kinh doanh. Do đó, các bộ, ngành cần khẩn trương có hướng dẫn kịp thời và phù hợp với tình hình mới. Trong giai đoạn tới, do nguồn lực tài chính khó khăn, cần ưu tiên bài toán phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Các giải pháp thiết kế theo hướng giảm số ca tử vong và ca mắc Covid-19 nặng thay vì giảm ca mắc thuần túy; ưu tiên tiêm vaccine cho đội ngũ làm kinh tế.

Doanh nghiệp cần có chính sách ưu đãi và văn hóa riêng để “giữ chân” người lao động

Ông Nguyễn Ngọc Hanh, Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Phú Thọ

Sau thời gian tạm ngừng hoạt động do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc huy động lại nguồn nhân lực, nhất là những lao động đã quay trở về quê hương để tránh dịch, lao động có tay nghề, có kỹ năng và đã qua đào tạo để tái hoạt động sản xuất, kinh doanh trong tình hình mới là hết sức khó khăn. Để “giữ chân” người lao động, mỗi DN cần phải có chính sách ưu đãi và văn hóa riêng, bởi lao động chịu sự điều tiết của thị trường và có lựa chọn nhất định nên sẽ có sự dịch chuyển, thậm chí là ngay trong một địa phương, một khu công nghiệp.

Về tổng thể, Nhà nước cần hỗ trợ DN đẩy mạnh chương trình tiêm chủng vaccine để bảo đảm an toàn, ít nguy cơ lây lan dịch bệnh. Để thu hút cũng như “giữ chân” các lao động có trình độ chuyên môn cao, DN phải bảo đảm được các điều kiện thiết yếu cho người lao động: chỗ ở, chế độ đãi ngộ về tiền lương một cách hợp lý, chế độ phúc lợi xã hội như đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế…, cơ sở vật chất thiết yếu đủ để người lao động có thể sinh sống và làm việc ngay trong khu công nghiệp, nhà máy…

Đẩy mạnh chương trình xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân để an cư

Ông Trần Văn Kiên, Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh Hà Nam

Diễn biến dịch Covid-19 còn phức tạp, nhiều địa bàn, địa phương thực hiện giãn cách nên việc đi lại của công nhân từ chỗ ở đến các khu công nghiệp, khu chế xuất vẫn gặp nhiều khó khăn. Muốn ổn định, duy trì sản xuất, kinh doanh, cần thiết phải bảo đảm chỗ ở cho công nhân gần hoặc nằm ngay nhà máy, khu công nghiệp. Việc giải quyết được chỗ ở cho công nhân, người lao động trong khu công nghiệp, nhà máy sẽ giúp người lao động “an cư”, ít di chuyển nên nguy cơ dịch bệnh sẽ thấp, tạo điều kiện vừa sản xuất, vừa phòng chống dịch. Do vậy, cần đẩy mạnh, thực hiện nhanh các chương trình xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động trong hoặc nằm sát khu công nghiệp để họ yên tâm làm việc, giúp giảm chi phí kiểm soát dịch bệnh cho DN. Thực tế cũng cho thấy, chỉ những DN, nhà máy lo đủ chỗ ở cần thiết cho công nhân mới trụ vững, vận hành liên tục, không bị gián đoạn hoạt động sản xuất kinh doanh trong thời gian qua.

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Chuyên đề