Một số dữ liệu kinh tế Mỹ công bố hôm đầu tuần cho thấy có sự suy yếu khiến các nhà đầu tư lo ngại sẽ giảm khả năng Cục Dự trữ Liên bang - Fed tăng lãi suất trong thời gian tới. Do vậy, đồng USD chịu áp lực và nhu cầu trú ẩn vào vàng đã gia tăng khiến giá đi lên.
Giá vàng tiếp tục tăng nhẹ. Ảnh:PV.
Thị trường kim loại quý dễ dàng phá vỡ ngưỡng 1.260 USD ngay đầu phiên Mỹ. Tuy nhiên, giá không lên tiếp mà quay đầu giảm nhẹ. Chốt phiên giao dịch tại New York, giá giao ngay đứng ở 1.255,7 USD, tăng khoảng 3 USD so với phiên liền trước. Các hợp đồng giao tháng 6 cũng chốt ngày quanh 1.258,2 USD, tăng khoảng 4,2 USD so với phiên liền trước.
Đà tăng tạm thời chưa lan sang phiên giao dịch sáng nay tại thị trường châu Á. Tính đến 8h10, giờ Hà Nội, mỗi ounce có giá 1.255USD, gần như không đổi so với mở cửa.
Nếu căn cứ theo tỷ giá ngân hàng, mỗi lượng vàng thế giới quy đổi hiện có giá khoảng 34,38 triệu đồng (chưa gồm các loại thuế, phí, gia công...). Trong khi đó, mức giá đóng cửa của vàng miếng trong nước xoay quanh 36,44-36,52 triệu đồng, tức cao hơn giá thế giới khoảng 2,1 triệu đồng mỗi lượng.
Hiện thị trường đang chờ đợi một loạt các thông tin kinh tế quan trọng đến từ Mỹ bao gồm các chỉ số PMI sản xuất và dịch vụ, biên bản cuộc họp gần nhất của Fed và báo cáo việc làm tháng 3.
Nếu trong biên bản xác nhận việc Fed chưa thể hiện manh mối cho một đợt tăng lãi suất kế tiếp, đồng USD có thể suy yếu và điều này có lợi cho giá vàng. Tuy nhiên, các thống kê kinh tế, đặc biệt là bảng lương phi nông nghiệp sẽ là yếu tố tác động lớn nhất đến USD. Đồng bạc xanh sẽ lấy lại sức mạnh nếu các dữ liệu công bố cho thấy sức khỏe của nền kinh tế lớn nhất thế giới tiếp tục cải thiện.