Giá dầu vẫn bật tăng dù nỗi lo nhu cầu phủ bóng

Bắt đầu từ tháng 1 này, OPEC và Nga sẽ thực hiện thỏa thuận cắt giảm sản lượng để vực dậy giá dầu...
Gần đây, giá dầu theo khá sát các diễn biến của chứng khoán Mỹ.
Gần đây, giá dầu theo khá sát các diễn biến của chứng khoán Mỹ.

Giá dầu thế giới tăng trên 2% trong phiên giao dịch giằng co ngày thứ Tư, nhờ lực hỗ trợ từ phiên tăng nhẹ của chứng khoán Mỹ. Tuy nhiên, những mối lo về sự suy giảm tăng trưởng kinh tế toàn cầu và nhu cầu tiêu thụ năng lượng vẫn gây áp lực giảm giá lên "vàng đen" - hãng tin Reuters cho hay.

Lúc đóng cửa tại thị trường New York, giá dầu thô WTI tăng 1,13 USD/thùng, tương đương tăng 2,5%, đạt 46,54 USD/thùng. Tại thị trường London, giá dầu thô Brent tăng 1,11 USD/thùng, tương đương tăng 2,1%, đạt 54,91 USD/thùng.

Giá dầu được hỗ trợ khi cả ba chỉ số chính của chứng khoán Mỹ cùng chốt phiên trong trạng thái tăng điểm nhẹ. Gần đây, giá dầu theo khá sát các diễn biến ở Phố Wall - thị trường chứng khoán có mức giảm tệ nhất 1 thập niên trong 2018.

Mặc dù vậy, sức ép giảm giá đối với dầu vẫn đang lớn. Dữ liệu do Trung Quốc công bố cho thấy hoạt động của các nhà máy ở nước này đang giảm tốc. Trong khi đó, sản lượng dầu từ các quốc gia sản xuất dầu lớn nhất thế giới như Nga đang tăng lên.

Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) của Trung Quốc cho thấy ngành chế biến-chế tạo của nước này trong tháng 12 đã lần đầu tiên suy giảm trong hơn 2 năm. Số liệu này cho thấy thách thức mà Bắc Kinh phải đối mặt trong cuộc chiến thương mại với Washington.

"Chúng tôi vẫn xem sự trượt giảm của nền kinh tế Trung Quốc là một nhân tố bất lợi lớn đối với giá dầu, bởi Trung Quốc đã trở thành quốc gia nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới", ông Jim Ritterbusch, Chủ tịch Ritterbusch and Associatees, nhận định.

Dữ liệu ngành sản xuất từ khu vực Eurozone cũng gây thất vọng khi cho thấy ngành này hầu như không tăng trong tháng cuối cùng của năm 2018.

Những mối lo về sự giảm tốc của nền kinh tế toàn cầu và tình trạng thừa dầu đã khiến giá dầu giảm sâu khỏi mức đỉnh của 4 năm thiết lập hồi đầu tháng 10/2018. Năm ngoái, giá dầu đã có năm giảm đầu tiên kể từ 2015, trong đó giá dầu WTI sụt 25% và giá dầu Brent giảm 21%.

Dữ liệu công bố ngày thứ Tư cho thấy sản lượng dầu của Nga trong năm 2018 đạt mức kỷ lục kể từ khi Liên Xô tan rã. Các số liệu khác cho thấy sản lượng dầu của Mỹ đạt mức cao chưa từng thấy trong tháng 10 và Iraq tăng xuất khẩu dầu trong tháng 12.

Năm ngoái, sản lượng dầu đá phiến tăng mạnh đã đưa Mỹ vượt Saudi Arabia và Nga để trở thành quốc gia sản xuất dầu lớn nhất thế giới. Mấy tháng gần đây, sản lượng dầu của các nước nước này liên tục đạt hoặc ở gần mức kỷ lục.

Bắt đầu từ tháng 1 này, Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đối tác, gồm Nga, sẽ thực hiện thỏa thuận cắt giảm sản lượng 1,2 triệu thùng/ngày để vực dậy giá dầu. 

Hôm thứ Ba, Bộ trưởng Bộ Năng lượng của Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE), một thành viên OPEC, bày tỏ tin tưởng rằng thị trường dầu lửa sẽ cân bằng cung-cầu trong quý 1 năm nay.

Chuyên đề