Giá dầu thế giới tăng trong phiên giao dịch ngày thứ Tư, sau khi nước xuất khẩu dầu lửa lớn nhất thế giới Saudi Arabia tuyên bố sẽ giảm xuất khẩu dầu và cắt giảm sâu hơn nữa sản lượng khai thác "vàng đen". Tuy nhiên, đà tăng giá của nhiên liệu này bị hạn chế do thống kê cho thấy tồn kho dầu của Mỹ tăng cao.
Lúc đóng cửa, giá dầu thô WTI giao sau tại thị trường New York tăng 0,8 USD/thùng, tương đương tăng 1,5%, đạt 53,9 USD/thùng. Tại thị trường London, giá dầu Brent tăng 1,19 USD/thùng, tương đương tăng 1,9%, chốt ở 63,61 USD/thùng.
Số liệu do Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA) công bố cho thấy tồn kho dầu thô của nước này tăng thêm 3,6 triệu thùng trong tuần kết thúc vào ngày 8/2, vượt xa mức dự báo tăng 2,7 triệu thùng mà giới phân tích đưa ra trước đó. Với mức tăng này, tồn kho dầu thô của Mỹ đạt mức cao nhất kể từ tháng 10/2017.
Lượng dầu tồn của Mỹ tăng được xem là hệ quả tất yếu của việc sản lượng khai thác dầu của nước này giữ ở mức kỷ lục tuần thứ 5 liên tiếp.
"Báo cáo này gây áp lực giảm giá đối với dầu", nhà phân tích Phil Flynn thuộc Price Futures Group nhận xét. "Nhưng giá dầu đang được hỗ trợ bởi những thông tin từ thị trường ngoài Mỹ, hy vọng về một thỏa thuận thương mại, và sự tăng điểm của chứng khoán Mỹ".
Theo ông Tom Saal, Phó chủ tịch cấp cao thuộc INTL FCStone, thông tin từ Saudi Arabia đang có tác dụng mạnh trong việc nâng đỡ giá dầu, xét đến vai trò quan trọng của quốc gia vùng Vịnh này trên thị trường dầu lửa toàn cầu.
Hôm thứ Ba, Bộ trưởng Bộ Năng lượng Saudi Arabia, ông Khalid al-Falih, nói với tờ Financial Times rằng sản lượng dầu của nước này sẽ giảm dưới ngưỡng 10 triệu thùng/ngày trong tháng 3, thấp hơn khoảng nửa triệu thùng/ngày so với mục tiêu mà Riyadh đã nhất trí trong thỏa thuận cắt giảm sản lượng của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) với đối tác gồm Nga.
Theo thỏa thuận trên, OPEC sẽ giảm sản lượng khoảng 800.000 thùng/ngày, về mức 30,81 triệu thùng/ngày. Trong đó, Saudi Arabia chịu trách nhiệm phần lớn mức cắt giảm.
Các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với ngành dầu lửa Venezuela có thể sẽ khiến nguồn cung dầu toàn cầu mất đi 330.000 thùng dầu mỗi ngày trong năm nay, theo một báo cáo của Goldman Sachs.
Giá dầu thế giới đã tăng khoảng 20% trong năm nay, nhưng phần lớn sự tăng giá này diễn ra vào đầu tháng 1, trước khi Mỹ tung lệnh trừng phạt mới lên Caracas.
Một báo cáo ra ngày 13/2 của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) nói rằng thế giới vẫn sẽ thừa dầu trong 2019, bất chấp nỗ lực cắt giảm sản lượng dầu của OPEC hay lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran và Venezuela.
IEA dự báo sản lượng dầu thô của Mỹ sẽ tăng thêm 1,45 triệu thùng/ngày trong năm nay và tăng thêm 790.000 thùng/ngày vào năm tới, đạt ngưỡng 13 triệu thùng/ngày vào 2020. Sản lượng dầu tăng chóng mặt của Mỹ được xem là nhân tố chính phía sau sự "phình to" của lượng tồn kho toàn cầu cả về dầu thô và các sản phẩm lọc hóa.