Giá dầu tăng 6 tuần liên tiếp vì nỗi lo thiếu cung

Tính chung cả tuần, giá dầu WTI tăng 1,3%, đánh dấu tuần tăng thứ 6 liên tiếp...
Một người công nhân đang làm việc bên những chiếc xe chở dầu tại một mỏ dầu ở Odessa, Texas - Ảnh: Getty/CNBC.
Một người công nhân đang làm việc bên những chiếc xe chở dầu tại một mỏ dầu ở Odessa, Texas - Ảnh: Getty/CNBC.

Giá dầu thế giới tăng trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, khi sản lượng dầu sụt giảm của Venezuela và Iran cộng thêm xung đột ở Libya trở thành những nhân tố quan trọng khiến giới đầu tư tin rằng nguồn cung sẽ ngày càng thắt lại.

Bên cạnh đó, những dữ liệu kinh tế khả quan từ Trung Quốc xoa dịu mối lo về nhu cầu tiêu thụ dầu suy giảm.

Ngoài ra, theo hãng tin CNBC, giá dầu còn tăng theo sự đi lên của thị trường chứng khoán Mỹ nhờ báo cáo lợi nhuận khả quan của ngân hàng JPMorgan Chase. Chưa kể, tỷ giá đồng USD so với Euro giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 2 tuần cũng giúp đẩy giá dầu tăng bởi hàng hóa này được định giá bằng đồng USD.

Lúc đóng cửa tại thị trường New York, giá dầu thô WTI giao sau tăng 0,31 USD/thùng, tương đương tăng khoảng 0,5%, đạt 63,89 USD/thùng. Tính chung cả tuần, giá dầu WTI tăng 1,3%, đánh dấu tuần tăng thứ 6 liên tiếp.

Tại thị trường London, giá dầu Brent tăng 0,72 USD/thùng, tương đương tăng 1%, chốt phiên ở 71,55 USD/thùng. Tuần này, giá dầu Brent tăng 1,7%, đánh dấu tuần tăng thứ ba liên tục.

Giá dầu đã tăng hơn 30% từ đầu năm đến nay nhờ chương trình hạn chế sản lượng của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và Nga, hay còn gọi là nhóm OPEC+. Lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran và Venezuela, cũng như xung đột leo thang ở một nước OPEC khác là Libya cũng đang là những nhân tố quan trọng hỗ trợ giá "vàng đen".

"Sự tăng giá dầu do căng thẳng địa chính trị có thể đưa giá năng lượng này vượt qua mốc 80 USD/thùng trong mùa hè năm nay", một báo cáo của RBC Capital Markets nhận định.

Ngày thứ Sáu, người đứng đầu Tập đoàn Dầu lửa Quốc gia Libya (LNOC) cảnh báo rằng chiến sự tiếp diễn có thể khiến sản lượng khai thác dầu của nước này giảm về 0.

"Chúng tôi dự báo giá dầu Brent và dầu WTI trung bình ở mức 75 USD/thùng và 67 USD/thùng trong thời gian còn lại của năm nay. Khả năng tăng giá dầu là cao hơn khả năng giảm", báo cáo của RBC có đoạn viết.

Vào tháng 6, OPEC+ sẽ họp để quyết định có tiếp tục hạn chế sản lượng khai thác dầu. Saudi Arabia, thủ lĩnh không chính thức của OPEC, có vẻ như muốn duy trì việc giảm sản lượng, nhưng giới thạo tin nói Riyadh có thể tăng sản lượng từ tháng 7 nếu sự gián đoạn nguồn cung dầu tư các quốc gia khác tiếp diễn.

Thống kê công bố ngày thứ Sáu cho thấy xuất khẩu của Trung Quốc trong tháng 3 đã hồi phục. Dữ liệu khả quan này giúp đẩy lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ và khu vực Eurozone lên mức cao nhất 3 tuần.

"Nỗi lo vĩ mô về một cuộc ‘hạ cánh cứng’ của tăng trưởng kinh tế toàn cầu có thể đã bị thổi phồng", RBC nhận xét.

Trong thương vụ lớn nhất của ngành năng lượng kể từ năm 2016, hãng dầu lửa Chevron tuyên bố sẽ mua lại Anadarko Petroleum với giá 33 tỷ USD bằng tiền mặt và cổ phiếu. Giá cổ phiếu Chevron giảm 4,9% sau tuyên bố này, trong khi cổ phiếu Anadarko tăng 32%.

Chuyên đề