Giá dầu sụt mạnh vì nỗi lo thừa cung, thiếu cầu

Cuộc đàm phán thương mại “dậm chân tại chỗ” giữa Mỹ và Trung Quốc phủ bóng lên triển vọng nhu cầu dầu...
Một công nhân làm việc trên mỏ dầu ở Midland, Texas, Mỹ, tháng 5/2018 - Ảnh: Getty/CNBC.
Một công nhân làm việc trên mỏ dầu ở Midland, Texas, Mỹ, tháng 5/2018 - Ảnh: Getty/CNBC.

Giá dầu thế giới giảm hơn 3% trong phiên giao dịch ngày thứ Ba, khi giới đầu tư lo ngại về khả năng thừa cung, thiếu cầu năng lượng. Cuộc đàm phán thương mại "dậm chân tại chỗ" giữa Mỹ và Trung Quốc phủ bóng lên triển vọng nhu cầu dầu, trong khi sản lượng dầu của thế giới vẫn dồi dào.

Lúc đóng cửa, giá dầu Brent giao tháng 12 tại thị trường London giảm 1,67 USD/thùng, tương đương giảm 2,7%, còn 60,76 USD/thùng. Giá dầu thô WTI giao tháng 12 tại thị trường New York giảm 1,84 USD/thùng, tương đương giảm 3,2%, còn 55,21 USD/thùng.

Giá dầu Brent đã tăng khoảng 15% trong năm nay, một phần nhờ nỗ lực cắt giảm sản lượng của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đồng minh gồm Nga, tức nhóm OPEC+. Nhóm này đã hạn chế sản lượng khai thác dầu với mức giảm 1,2 triệu thùng/ngày từ ngày 1/1 đến nay.

Giới thạo tin tiết lộ với hãng tin Reuters rằng trong cuộc họp của OPEC+ vào đầu tháng 12, Nga có thể sẽ không nhất trí cắt giảm sản lượng sâu hơn, nhưng có khả năng sẽ đồng ý với việc gia hạn thỏa thuận cắt giảm sản lượng hiện có. Nếu không được gia hạn, thỏa thuận này sẽ hết hạn vào tháng 3/2020.

Cũng theo nguồn thạo tin, OPEC đang lo ngại về sự suy yếu nhu cầu tiêu thụ dầu trong năm tới. "Chúng tôi cho rằng những cuộc thảo luận trong OPEC+ trong tháng 12 này sẽ đầy khó khăn. Nga sẽ không nhất trí giảm sản lượng dầu trong mùa đông", nguồn tin nói.

Thông tin này về lập trường của Nga gây áp lực giảm lớn hơn lên giá dầu, giữa lúc nhà đầu tư đã lo ngại về tình trạng dư cung. "Chưa kể, Nga còn không hoàn thành phần cắt giảm sản lượng của họ trong tháng 11 này", nhà phân tích Carsten Fritsch của Commerzbank nói.

Dữ liệu công bố vào tuần trước cho thấy sản lượng dầu của Mỹ lập kỷ lục mới và đang hướng tới mốc 13 triệu thùng/ngày.

Sức ép giảm giá dầu lớn hơn khi nguồn tin là quan chức Chính phủ Trung Quốc hôm thứ Hai nói với hãng tin CNBC rằng Bắc Kinh bi quan về khả năng đạt một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc.

"Những thông tin ảm đạm từ Trung Quốc về tình hình đàm phán khiến giá dàu càng đuối", nhà phân tích Craig Erlam thuộc Oanda nhận xét. "Chắc chắn chúng ta đang chứng kiến lực hỗ trợ cho giá dầu ngày càng yếu đi".

Giới phân tích dự báo tồn kho dầu thô thương mại của Mỹ tăng thêm khoảng 1,1 triệu thùng trong tuần trước, đánh dấu tuần tăng thứ 4 liên tục. Sự tăng, giảm lượng dầu tồn kho của Mỹ luôn là một nhân tố có hưởng mạnh đến diễn biến giá dầu.

Chuyên đề