Từ đầu tháng 10 đến nay, giá dầu thế giới đã giảm khoảng 30% - Ảnh: Getty/CNBC. |
Giá dầu thế giới giảm 3% trong phiên giao dịch ngày thứ Hai, phản ánh áp lực giảm điểm trên thị trường chứng khoán toàn cầu và mối lo về nhu cầu tiêu thụ dầu.
Với phiên giảm này, giá dầu mất hết thành quả tăng có được vào phiên ngày thứ Sáu tuần trước sau khi Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) ra quyết định cắt giảm sản lượng khai thác.
Các thị trường chứng khoán chủ chốt ở châu Á và châu Âu đồng loạt giảm điểm trong phiên giao dịch đầu tuần, chứng khoán Mỹ cũng sụt giảm trước khi tăng nhẹ vào cuối phiên. Giới đầu tư toàn cầu đang lo ngại rằng xung đột thương mại Mỹ-Trung sẽ ảnh hưởng lớn đến tăng trưởng kinh tế thế giới.
Ngoài ra, tâm lý bi quan còn gia tăng bởi những bấp bênh xung quanh kế hoạch Brexit của nước Anh và loạt dữ liệu kinh tế u ám từ các nền kinh tế hàng đầu thế giới gồm Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Đức trong những ngày gần đây.
"Mối tương quan giữa thị trường chứng khoán và dầu thô được thể hiện rõ ngày hôm nay", ông John Kilduff, chuyên gia từ Again Capital Management ở New York, nhận định. "Những mối lo về nền kinh tế toàn cầu và triển vọng nhu cầu tiêu thụ dầu đang ngày càng đè nặng lên thị trường".
Lúc đóng cửa, giá dầu thô WTI giao sau tại New York giảm 1,61 USD/thùng, tương đương giảm 3,1%, còn 51 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giao sau tại London giảm 1,68 USD/thùng, tương đương giảm 2,7%, còn 59,99 USD/thùng.
Giá dầu đã tăng mạnh vào hôm thứ Sáu, sau khi OPEC và đối tác, gồm Nga, tuyên bố sẽ cắt giảm sản lượng 1,2 triệu thùng/ngày trong nửa đầu năm 2019.
Chiến lược gia Tamas Varga thuộc PVM Oil Associates cho rằng thỏa thuận giảm sản lượng này không đủ để hỗ trợ giá dầu trong dài hạn vì khó có thể cắt giảm lượng dầu tồn kho trên toàn cầu.
Năm nay, sản lượng dầu của các nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới, gồm Mỹ, Saudi Arabia và Nga, đều tăng mạnh. Thực tế này, cùng với sự giảm tốc tăng trưởng kinh tế, khiến giới đầu tư cho rằng nhu cầu tiêu thụ dầu của thế giới sẽ không thể tăng kịp để hấp thụ hết phần dầu thừa.
"Sự gia tăng mạnh của nguồn cung dầu Mỹ trong những tháng gần đây nên được xem như một lý do để thận trọng", ngân hàng Bank of America Merrill Lynch nói trong một báo cáo ra hôm thứ Hai. Từ đầu tháng 10 đến nay, giá dầu thế giới đã giảm khoảng 30%.
Tuy nhiên, các số liệu từ Trung Quốc cho thấy nước này đang mạnh tay gom dầu. Trong tháng 11, nước này nhập khẩu 10,43 triệu thùng dầu mỗi ngày, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu lần đầu tiên Trung Quốc nhập hơn 10 triệu thùng dầu mỗi ngày. Năm nay, nhập khẩu dầu của Trung Quốc được dự báo sẽ lập kỷ lục mới.
Không chỉ mua dầu thô cho dự trữ chiến lược, Trung Quốc còn nhập dầu cho các nhà máy lọc dầu mới của nước này. Điều này dẫn tới tình trạng dư cung xăng và các sản phẩm lọc hóa, gây suy giảm tỷ suất lợi nhuận của các nhà máy lọc dầu ở khắp châu Á - Reuters cho hay.