Giá dầu thế giới đang ở mức cao nhất kể từ giữa tháng 11/2018 - Ảnh: Getty/CNBC. |
Giá dầu thế giới lập mức đỉnh mới của hơn 4 tháng trong phiên giao dịch ngày thứ Tư, sau khi thống kê cho thấy lượng dầu thô tồn kho của Mỹ sụt mạnh nhất kể từ tháng 7 - một dấu hiệu của sự thắt chặt nguồn cung.
Theo tin từ Bloomberg, giá dầu WTI giao sau tại thị trường Mỹ tăng 1,4% sau khi một báo cáo hàng tuần cho thấy tồn kho dầu thô của nước này giảm 9,59 triệu thùng trong tuần qua, trái ngược với dự báo tăng 309.000 thùng mà giới phân tích đưa ra trước đó.
Xuất khẩu dầu thô của Mỹ đang gần mức kỷ lục, trong khi nhập khẩu dầu từ Saudi Arabia giảm hơn một nửa và nhập khẩu dầu từ Venezuela đã không còn do lệnh trừng phạt của Washington đối với Caracas. Tồn kho xăng và dầu diesel của Mỹ cũng giảm, cho thấy nhu cầu tiêu thụ năng lượng tại nền kinh tế lớn nhất thế giới đang mạnh.
Thị trường dầu ở Mỹ "sẽ không thể trông chờ vào sự gia tăng nguồn cung từ Venezuela hay Saudi Arabia", bà Bart Melek, trưởng bộ phận chiến lược hàng hóa cơ bản toàn cầu thuộc TD Securities, nhận định. "Chúng ta sẽ tiếp tục chứng kiến mức nhu cầu mạnh, cho dù Mỹ có tăng sản lượng khai thác thì lượng dầu tồn kho vẫn sẽ giảm xuống".
Từ đầu năm đến nay, giá dầu WTI đã tăng 32% và giá dầu Brent tăng 27% nhờ nỗ lực cắt giảm sản lượng khai thác của Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và đối tác gồm Nga, cũng như sự gián đoạn nguồn cung dầu từ Iran và Venezuela do các biện pháp trừng phạt của Mỹ.
Việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) phát tín hiệu dừng tăng lãi suất trong cuộc họp ngày 20/3 cũng có tác dụng hỗ trợ giá dầu.
Lúc đóng cửa tại New York, giá dầu WTI giao tháng 4 tăng 0,8 USD/thùng, đạt 59,83 USD/thùng. Đây là mức giá chốt phiên cao nhất của dầu WTI kể từ ngày 12/11.
Tại thị trường London, giá dầu Brent chốt phiên với mức tăng 0,89 USD/thùng, đạt 68,5 USD/thùng. Đây cũng là mức giá đóng cửa cao nhất của dầu Brent kể từ giữa tháng 11 năm ngoái.
Cơ quan Thông tin Năng lượng (EIA) thuộc Bộ Năng lượng Mỹ cho biết tồn kho xăng cả nước này trong tuần kết thúc vào ngày 15/3 giảm 4,6 triệu thùng, cao gần gấp đôi mức dự báo giảm mà giới phân tích đưa ra. Dự trữ dầu diesel và dầu sưởi giảm 4,1 triệu thùng, một mức giảm lớn gấp 4 lần dự báo.
Cùng với đó, xuất khẩu dầu thô của Mỹ đạt 3,39 triệu thùng/ngày trong tuần dự báo, số liệu tuần cao thứ nhì kể từ thống kê này bắt đầu được thực hiện vào năm 1993.
Một báo cáo của ngân hàng Morgan Stanley nói rằng việc OPEC giảm sản lượng, cùng với lệnh trừng phạt mà Mỹ áp lên Iran và Venezuela, có thể sớm đẩy thị trường dầu toàn cầu vào tình trạng thiếu cung và đưa giá dầu Brent lên ngưỡng 75 USD/thùng.
Hiện OPEC và đối tác đang giảm sản lượng 1,2 triệu thùng/ngày, và dự kiến sẽ duy trì cho đến hết tháng 6. Thậm chí, Saudi Arabia mới đây còn phát tín hiệu sẽ hạn chế sản lượng khai thác qua tháng 6.
Tuy nhiên, sản lượng dầu thô của Mỹ tăng mạnh tiếp tục là một nhân tố gây áp lực giảm giá lên dầu. Báo cáo của EIA cho thấy sản lượng dầu của nước này hiện vẫn giữ gần kỷ lục mọi thời đại 12,1 triệu thùng/ngày.