Giá dầu lao dốc ba phiên liên tiếp

0:00 / 0:00
0:00
Ở thời điểm hiện tại, đang có nhiều nhân tố gây áp lực giảm lên giá dầu, trong đó không thể không nhắc tới dịch Covid-19 bùng lên ở châu Á...
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Getty/CNBC.
Ảnh minh hoạ - Ảnh: Getty/CNBC.

Giá dầu thế giới sụt giảm phiên thứ ba liên tiếp trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (20/5), sau khi có tin về tiến trình dỡ lệnh trừng phạt với Iran, mở ra triển vọng về nối lại xuất khẩu dầu từ quốc gia vùng Vịnh này.

Lúc đóng cửa, giá dầu Brent giao sau tại thị trường London giảm 1,55 USD/thùng, tương đương giảm 2,3%, còn 65,11 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại thị trường New York mất 1,31 USD/thùng, tương đương giảm 2%, còn 62,05 USD/thùng.

Trước phiên giảm này, giá dầu Brent đã mất 3,2% trong phiên ngày thứ Tư và 1,1% trong phiên ngày thứ Ba. Giá dầu WTI trượt 3,5% trong phiên ngày thứ Tư và 1,2% trong phiên ngày thứ Ba.

Phát biểu trên sóng truyền hình quốc gia, Tổng thống Iran Hassan Rouhani nói rằng các biện pháp trừng phạt đối với ngành dầu khí, vận tải, hoá dầu, bảo hiểm và ngân hàng của Iran đều đã được bàn thảo trong các cuộc đàm phán đang diễn ra với Mỹ về thoả thuận hạt nhân.

“Thông tin này thực sự gây sức ép giảm lên giá dầu”, nhà phân tích Phil Flynn thuộc Price Futures Group nhận định. “Thị trường toàn cầu có dư địa để hấp thụ thêm dầu từ Iran, nhưng trong ngắn hạn, đây vẫn là nhân tố gây suy giảm giá dầu ngày hôm nay”.

Ngoài ra, giá dầu còn chịu áp lực giảm từ làn sóng Covid-19 đang tấn công nhiều nước châu Á. Số ca nhiễm mới đang tăng mạnh ở nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực như: Đài Loan, Thái Lan, Malaysia, Việt Nam…, đe doạ triển vọng nhu cầu tiêu thụ dầu. Tại Ấn Độ, số ca nhiễm mới và tử vong tiếp tục ở mức cao.

Gây sức ép lên giá dầu gần đây còn có khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sớm thắt chặt chính sách tiền tệ để ứng phó với lạm phát leo thang ở Mỹ. Fed vẫn trấn an rằng lạm phát chỉ là tạm thời, nhưng giới đầu tư không hoàn toàn tin tưởng đánh giá này.

Tuy nhiên, một số tổ chức như Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) và Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) cho tới gần đây vẫn lạc quan về triển vọng nhu cầu dầu toàn cầu trong nửa cuối của năm nay, trên cơ sở sự phục hồi tăng trưởng kinh tế, đặc biệt tại Mỹ và châu Âu.

Chuyên đề