Chốt phiên 9/3, dầu Brent mất hơn 24%, về 34,36 USD một thùng. Trước đó, giá từng mất tới 31%, về 31,02 USD – thấp nhất kể từ đầu năm 2016.
Dầu thô Mỹ WTI giảm 24,6% về 31,13 USD một thùng. Trong phiên, WTI có thời điểm giảm 33% về đáy 4 năm.
Giá dầu lao dốc sau khi cả Saudi Arabia và Nga cuối tuần trước tuyên bố tăng sản xuất. Thỏa thuận kéo dài 3 năm giữa OPEC và các đồng minh đã đổ vỡ, khi Nga từ chối giảm thêm sản lượng và gia hạn. Thị trường dầu toàn cầu đang chịu sức ép lớn từ Covid-19, do người dân hạn chế đi lại.
Saudi Arabia sẽ tăng sản xuất dầu thô lên trên 10 triệu thùng mỗi ngày, bắt đầu từ tháng 4, Reuters trích lời một nguồn tin thân cận cho biết. Mức hiện tại là 9,7 triệu thùng một ngày. Vương quốc này cũng đã hạ giá xuất khẩu để khuyến khích người mua.
Nga – một trong những nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới, bên cạnh Saudi Arabia và Mỹ, cũng tuyên bố sẽ nâng sản lượng. Họ khẳng định có thể chống chịu giá dầu thấp từ 6 – 10 năm.
Nhiều quốc gia khác trong Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) cũng có thể nâng sản xuất và hạ giá bán để cạnh tranh, càng nhấn chìm thị trường trong bối cảnh vốn đã dư cung nhiều năm qua.
"Tình hình thậm chí còn u ám hơn tháng 11/2014, khi cuộc chiến giá tương tự nổ ra. Hiện tại, nhu cầu còn đang lao dốc do Covid-19", Goldman Sachs nhận định. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết nhu cầu dầu sẽ giảm năm 2020, lần đầu tiên kể từ năm 2009. So với năm ngoái, nhu cầu năm nay có thể thấp hơn 90.000 thùng mỗi ngày.