Foxconn tính bỏ gần 7.500 tỷ xây nhà ở cho công nhân tại Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tập đoàn Khoa học kỹ thuật Hồng Hải (Foxconn) – công ty lắp ráp điện thoại iPhone lớn nhất thế giới đang lên kế hoạch “đổ” gần 7.500 tỷ đồng để xây 3 dự án nhà ở cho công nhân của Hãng tại Việt Nam.
Foxconn đã nghiên cứu và đề xuất đầu tư xây dựng 3 dự án nhà ở xã hội ngay cạnh các Khu công nghiệp có lao động của Tập đoàn. Ảnh: Internet
Foxconn đã nghiên cứu và đề xuất đầu tư xây dựng 3 dự án nhà ở xã hội ngay cạnh các Khu công nghiệp có lao động của Tập đoàn. Ảnh: Internet

Tuy nhiên, hãng điện tử “khổng lồ” này vừa có công văn gửi Văn phòng Chính phủ và một số bộ, ngành liên quan kiến nghị, phản ánh vướng mắc quy trình thực hiện đầu tư phát triển dự án nhà ở xã hội cho người lao động khu công nghiệp và đề xuất được phối hợp giải quyết cho nhà đầu tư.

Foxconn muốn xây 3 dự án nhà ở xã hội cho công nhân

Trước sự phát triển và nhu cầu cấp bách về việc giải quyết chỗ ở ổn định cho công nhân lao động trong các khu công nghiệp, người lao động có thu nhập thấp, góp phần ổn định đời sống, trật tự xã hội; đồng thời đáp ứng được nhu cầu tối thiểu cho việc tuyển dụng lao động đang thiếu trầm trọng cho các doanh nghiệp FDI trong khu công nghiệp, Foxconn đã nghiên cứu và đề xuất đầu tư xây dựng 3 dự án nhà ở xã hội ngay cạnh các khu công nghiệp có lao động của Tập đoàn.

Cụ thể, Dự án Nhà ở xã hội Golden Park tại xã Phương Liễu, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh, do Công ty TNHH MTV Công trình Kim Xương Trí làm chủ đầu tư, với quy mô 6,3 ha, có tổng vốn đầu tư là 2.925,9 tỷ đồng (tương đương 125.873.767 USD).

Dự án Nhà ở xã hội Vân Trung tại xã Vân Trung, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang, do Công ty TNHH Fugiang (Chủ đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Vân Trung) làm chủ đầu tư, với quy mô 16,7 ha, có tổng vốn đầu tư là 3.422 tỷ đồng (tương đương 150.000.000 USD).

Và Dự án Khu Nhà ở công nhân và công trình dịch vụ công cộng Phoenix Town, do Công ty TNHH Fuchuan (Chủ đầu tư hạ tầng Khu công nghiệp Bình Xuyên II) làm chủ đầu tư, với quy mô 9,9 ha, có tổng vốn đầu tư hơn 1.000 tỷ đồng (gần 50 triệu USD).

Theo Foxconn, các dự án trên đều đồng bộ công trình nhà ở chung cư và các tiện ích hạ tầng xã hội như y tế, trường học, chợ, văn hóa, thể thao... đảm bảo mục tiêu an sinh xã hội, ổn định đời sống phục vụ sinh hoạt cho cư dân trong và ngoài dự án. Cả 3 dự án nhà ở xã hội này đều gắn với 3 khu công nghiệp mà các công ty con của Foxconn đã rót vốn đầu tư, đó là Quế Võ, Vân Trung và Bình Xuyên.

Kiến nghị nhiều chính sách ưu đãi

Tuy nhiên, Foxconn cho rằng, việc triển khai đầu tư đang gặp rất nhiều khó khăn từ các chính sách hiện tại liên quan đến việc phát triển nhà ở xã hội.

Cụ thể, Nghị định 100/2015/NĐ-CP xây dựng phù hợp với việc phát triển Nhà ở xã hội tại các khu đô thị hoặc các thành phố lớn như Hà Nội, HCM... nhưng chưa thực sự phù hợp với việc phát triển nhà ở xã hội cho người lao động trong các khu công nghiệp.

Do đó, để tạo điều kiện, thúc đẩy việc đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho người lao động, Foxconn kiến nghị cần cho phép doanh nghiệp trong khu công nghiệp có thể đại diện cho người lao động đứng ra thuê, mua và bố trí cho công nhân viên của mình ở. Theo đó, đối tượng ở vẫn là công nhân, người lao động trong khu công nghiệp thuộc đối tượng được hưởng các chính sách hỗ trợ về nhà ở theo Luật Nhà ở và Nghị định 100/2015/NĐ-CP.

Đối với đề xuất cơ chế doanh nghiệp đứng ra thuê, mua nhà ở xã hội cho công nhân các nhà máy, theo đó cả 3 dự án được các công ty con của Foxconn đầu tư sẽ chủ yếu phục vụ nhu cầu ở của chính các công nhân làm việc của Tập đoàn.

Ngoài ra, theo Foxconn, hiện nay, thủ tục miễn tiền thuê đất, tiền sử dụng đất còn bất cập gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp. Cụ thể, theo quy định tại Khoản 6 Nghị định 123/2017 sửa đổi Nghị định về thu tiền sử dụng đất, thu tiền thuê đất, thuê mặt nước quy định “trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày có quyết định giao đất của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật về đất đai, người sử dụng đất nộp hồ sơ đề nghị miễn, giảm tiền sử dụng đất”.

Tập đoàn cho rằng, việc yêu cầu có danh sách người lao động của doanh nghiệp trong thời hạn 20 ngày kể từ khi có quyết định giao đất là không hợp lý, chưa thực tế, làm khó doanh nghiệp. Bởi, đối với trường hợp chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở xã hội mà đối tượng thụ hưởng theo quy định tại Điều 49 Luật Nhà ở thì thời điểm 20 ngày sau khi có quyết định giao đất dự án chưa được triển khai và chưa thể mở bán nên quy định hồ sơ phải có “Danh sách người lao động của doanh nghiệp, hợp tác xã được bố trí nhà ở có xác nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật nhà ở” là không khả thi.

Do đó, theo Foxconn kiến nghị cần điều chỉnh lại nội dung trên cho phù hợp, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển nhà ở xã hội cho công nhân.

Chuyên đề