Chủ tịch Fed Jerome Powell trong cuộc họp báo ngày 15/12 - Ảnh: Reuters. |
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) ngày 15/12 phát đi nhiều tín hiệu cho thấy chính sách tiền tệ siêu lỏng lẻo thời đại dịch Covid-19 của ngân hàng trung ương này đang bắt đầu khép lại. Từ siêu nới lỏng, chính sách của Fed sẽ chuyển sang thắt lại để chống sự leo thang chóng mặt của giá cả.
Kết quả chính đầu tiên sau cuộc họp kéo dài 2 ngày của Fed là tiến độ cắt giảm chương trình mua tài sản được đẩy nhanh. Từ tháng 1 trở đi, Fed sẽ mua 60 tỷ USD trái phiếu mỗi tháng, bằng một nửa so với mức mua trước tháng 11 – thời điểm chương trình này bắt đầu được cắt giảm, và ít hơn 30 tỷ USD so với mức mua của tháng 12.
Như vậy, Fed đã cắt giảm 15 tỷ trong chương trình nới lỏng định lượng (QE) này trong tháng 11, tăng gấp đôi mức cắt giảm trong tháng 12, và sẽ tiếp tục nâng mức cắt giảm trong năm 2022.
Kết quả thứ hai là sau khi QE chính thức kết thúc vào cuối mùa đông hoặc đầu mùa xuân, Fed có thể sẽ bắt đầu nâng lãi suất trở lại. Đến lần họp này, Fed vẫn giữ lãi suất cho vay qua đêm tham chiếu ở khoảng 0-0,25%.
Dự báo được Fed đưa ra cho thấy các quan chức Fed tính nâng lãi suất 3 lần trong năm 2022, 2 lần trong năm 2023, và 2 lần nữa trong năm 2024.
“Các diễn biến kinh tế và thay đổi trong triển vọng kinh tế dẫn tới chính sách tiền tệ thay đổi. Chính sách vẫn sẽ tiếp tục mang lại sự hỗ trợ phù hợp cho nền kinh tế”, Chủ tịch Fed Jerome Powell nói trong cuộc họp báo sau cuộc họp.
Động thái của Fed trong lần họp này nhận được sự đồng thuận của 100% thành viên Uỷ ban Thị trường mở (FOMC), bộ phận quyết định chính sách trong Fed. Đây là sự điều chỉnh quan trong đối với chính sách nới lỏng nhất trong 108 năm lịch sử của Fed. Tuyên bố sau cuộc họp nhấn mạnh ảnh hưởng của lạm phát đối với đường đi của chính sách tiền tệ.
“Những mất cân đối về cung-cầu liên quan đến đại dịch và sự mở cửa trở lại của nền kinh tế tiếp tục dẫn tới sự đi lên của lạm phát”, tuyên bố có đoạn.
FOMC đẩy cao triển vọng lạm phát trong năm 2021, cho rằng lạm phát của cả năm nay sẽ là 5,3%, từ mức 4,2% trong lần dự báo trước. Lạm phát lõi được dự báo sẽ là 4,4% thay vì 3,7%. Uỷ ban giữ quan điểm cho rằng lạm phát sẽ dịu đi trong năm 2022, với lạm phát chung là 2,6% và lạm phát lõi là 2,7%, nhưng cả hai con số này cũng đều tăng so với dự báo đưa ra hồi tháng 9.
Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp của năm 2021 được FOMC dự báo là 4,3%, giảm từ mức dự báo trước là 4,8%.
Tuyên bố của Fed nói “sự tăng trưởng việc làm đã diễn ra vững vàng trong những tháng gần đây, và tỷ lệ thất nghiệp đã giảm đáng kể”.
FOMC hạ dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ năm nay, cho rằng nền kinh tế lớn nhất thế giới chỉ tăng 5,5% trong năm nay, so với mức dự báo tăng 5,9% đưa ra hồi tháng 9. Dự báo cho năm 2022 được điều chỉnh tăng lên 4% từ 3,8%; cho năm 2023 giảm còn 2,2% từ 2,5%.
Trong cuộc họp báo sau cuộc họp chính sách của Fed, Chủ tịch Fed Jerome Powell nói thị trường lao động hiện chưa phục hồi hoàn toàn, nhấn mạnh việc còn nhiều người không có việc làm nhưng không đi tìm việc, nhưng ông nói giờ là lúc phù hợp để Fed rút lại những chính sách thời đại dịch.
“Chúng ta chưa thể có lại được một nền kinh tế như ở thời điểm tháng 2/2020. Thị trường lao động sau đại dịch, và toàn bộ nền kinh tế nói chung, cũng như sự toàn dụng của thị trường lao động và sự ổn định giá cả là những thứ sẽ đạt được theo thời gian”, ông Powell nói.
Tuyên bố của Fed cũng nói rằng đại dịch Covid-19, nhất là biến chủng mới, đặt ra rủi ro đối với triển vọng tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, tuyên bố cũng nói về sự cần thiết phải hành động để chống lại sự leo thang của lạm phát, khi giá tiêu dùng ở Mỹ trong tháng 11 vừa qua tăng mạnh nhất 39 năm, giá nhà sản xuất cũng tăng kỷ lục 9,6%.
Lâu nay, ông Powell và Fed vẫn dùng từ “tạm thời” để nói về lạm phát, nhưng trong lần họp này, tuyên bố của Fed đã không còn nói lạm phát là “tạm thời” nữa.