Fed bước vào chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ quyết liệt nhất trong nhiều thập kỷ

0:00 / 0:00
0:00
Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã khởi động một chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ dự kiến sẽ là quyết liêt nhất trong nhiều thập kỷ trở lại đây, với những lời trấn an của Chủ tịch Jerome Powell rằng nền kinh tế Mỹ sẽ không rơi vào suy thoái...
Chủ tịch Fed Jerome Powell trong họp báo ngày 16/3 - Ảnh: Bloomberg.
Chủ tịch Fed Jerome Powell trong họp báo ngày 16/3 - Ảnh: Bloomberg.

Ngày 16/3, Fed kết thúc cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ kéo dài hai ngày bằng tuyên bố nâng lãi suất 0,25 điểm phần trăm, từ khoảng 0-0,25% trước đó lên 0,25-0,5%. Đây là đợt nâng lãi suất đầu tiên của Fed kể từ năm 2018. Mức lãi suất gần 0 đã được Fed duy trì kể từ đầu năm 2020, khi Covid-19 mới trở thành đại dịch toàn cầu.

ÔNG POWELL: “NỀN KINH TẾ MỸ ĐANG RẤT MẠNH”

Động thái nâng lãi suất và bước nhảy lãi suất trên đều không nằm ngoài dự báo của thị trường. Tuy nhiên, Fed đã ít nhiều gây bất ngờ khi dự báo sẽ có thêm 6 lần nâng lãi suất nữa trong năm nay, nghĩa là từ nay đến cuối năm, cuộc họp định kỳ nào của Fed cũng có tăng lãi suất.

Tại họp báo sau cuộc họp Fed, ông Powell nói rằng lạm phát đang quá cao, thị trường lao động đang quá nóng, và ổn định giá cả là ưu tiên của Fed vào lúc này.

“Trong cuộc họp ngày hôm nay, tôi nhận thấy các thành viên đều nhận thức rõ về sự cần thiết phải đưa nền kinh tế về tạng thái ổn định giá cả và họ đều quyết tâm sử dụng các công cụ sẵn có để đạt đúng mục tiêu đó”, ông Powell nói với các nhà báo. “Nền kinh tế Mỹ đang rất mạnh và có vị thể vững vàng để chịu sự thắt chặt của chính sách tiền tệ”.

Với triển vọng tăng lãi suất như Fed đưa ra, lãi suất tham chiếu “fed fund rates” sẽ đạt 1,9% vào cuối năm nay và 2,8% vào cuối năm 2023 – một mức lãi suất được cho là sẽ gây hạn chế tăng trưởng kinh tế.

“Fed đã mở một cuộc chiến chống lạm phát”, chuyên gia kinh tế trưởng Danien Swonk của Grant Thornton nhận định. “Họ muốn kéo lạm phát xuống bằng cách tăng lãi suất quyết liệt nhất trong nhiều thập kỷ”.

Tuyên bố sau cuộc họp của Fed nói rằng cuộc chiến của Nga ở Ukraine đã gây ra những tác động “rất khó đoán định” đối với nền kinh tế Mỹ, và trong ngắn hạn, xung đột này dẫn tới áp lực lạm phát cao hơn và gây trở ngại lên các hoạt động kinh tế.

Fed đang cố gắng thực thi một nhiệm vụ khó khăn là tạo ra một cuộc “hạ cánh mềm” cho nền kinh tế lớn nhất thế giới, nhưng lịch sử cho thấy đây là một mục tiêu rất hiếm khi Fed làm được. Nếu Fed thắt chặt quá chậm, lạm phát sẽ vượt khỏi tầm kiểm soát, dẫn tới đòi hỏi phải hành động mạnh hơn. Nhưng nếu thắt chặt quá nhanh, Fed sẽ gây nên những sóng gió trên thị trường tài chính và có thể đẩy nền kinh tế rơi vào suy thoái.

Công việc của Fed lần này càng phức tạp hơn khi chiến tranh Nga-Ukraine đẩy giá nhiên liệu, thực phẩm và kim loại leo thang mạnh trong thời gian gần đây. Sức ép lạm phát lớn khiến giới quan sát lo ngại về sự xuất hiện của tình trạng “stagflation” (khi nền kinh tế đồng thời có mức lạm phát cao và tốc độ tăng trưởng trì trệ, thậm chí là suy thoái) tương tự như những năm 1970.

Tuy nhiên, ông Powell bác bỏ nỗi lo kinh tế Mỹ suy thoái, liên tục nhấn mạnh rằng nền kinh tế Mỹ đang “rất mạnh” và việc cần thiết lúc này là ổn định giá cả.

“Fed đã nhận ra sự thật. Họ đã đánh giá thấp về sức ép lạm phát trong ít nhất 1 năm qua. Cuối cùng họ đã thấy rằng họ có một vấn đề nghiêm trọng cần phải xử lý. Tinh thần của họ lúc này là phải xử lý vấn đề đó bằng tất cả mọi cách có thể”, chuyên gia kinh tế trưởng Stephen Stanley của Amherst Pierpont Securities nói với hãng tin Bloomberg.

NHỮNG RỦI RO VÀ ĐÁNH ĐỔI

Tháng 2 vừa qua, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của Mỹ tăng 7,9% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng mạnh nhất 40 năm. Trong 2 tháng đầu năm, nền kinh tế Mỹ có thêm hơn 1 triệu công việc mới và số vị trí cần tuyển dụng đạt mức cao kỷ lục.

Trong bối cảnh như vậy, ông Powell và các đồng nghiệp của ông đã có sự dịch chuyển khỏi lập trường “hành động chậm rãi” trước đó. Trong cuộc họp vào tháng 12 năm ngoái, họ dự kiến chỉ nâng lãi suất 3 lần trong năm 2022. Giờ đây, họ dự kiến có 7 lần nâng, bao gồm cả đợt nâng vừa diễn ra. Điều này cho thấy họ lo ngại rằng nếu để mất kiểm soát đối với lạm phát, thì cái giá mà nền kinh tế phải trả sẽ lớn hơn nhiều.

Trong hơn 2 thập kỷ qua, Fed đã ghìm được lạm phát ở Mỹ quanh ngưỡng 2%, khiến công chúng nước này luôn cho rằng biến động giá cả không còn là một vấn đề đối với các quyết sách kinh tế. Việc duy trì được mức lạm phát như vậy là một sự đánh đổi “đau thương”, khi Fed thời Chủ tịch Paul Volcker nâng lãi suất lên ngưỡng 2 con số để chống lạm phát, dẫn tới hệ quả là một suy thoái sâu.

Lãi suất của Fed từ thập niên 1980 đến nay.

Lãi suất của Fed từ thập niên 1980 đến nay.

Năm nay, Fed dự báo rằng những nút thắt trong chuỗi cung ứng sẽ dần dần được giải toả, và thực tế đúng là như vậy. Tuy nhiên, tuyên bố ngày 16/3 của Fed nhấn mạnh rằng sức ép giá cả đang vượt khỏi những nút thắt chuỗi cung ứng, khi mà tiền lương trong nền kinh tế không ngừng tăng lên. Fed đã quyết tâm thắt chặt để chống lạm phát, nhưng họ đối mặt một rủi ro lớn là cuộc chiến Nga-Ukraine có thể đẩy giá năng lượng và hàng hoá cơ bản tăng thêm, làm gia tăng sức ép lạm phát trong lúc thị trường lao động Mỹ tiếp tục thiếu nhân công và tiền lương buộc phải tăng.

Ông Powell thể hiện rõ quan điểm rằng nếu lạm phát không dịu đi, Fed sẽ hành động mạnh hơn nữa.

Dù dự kiến sẽ tăng lãi suất liên tục trong năm nay, Fed dự báo tỷ lệ thất nghiệp tăng rất ít, sẽ dao động quanh ngưỡng 3,5% trong 3 năm tới. Nhưng các chuyên gia kinh tế cho rằng điều này khó trở thành hiện thực.

“Theo như lịch sử cho thấy, một cuộc hạ cánh mềm - với lạm phát được kéo xuống từ mức đỉnh của 40 năm mà thị trường việc làm vẫn giữ được trạng thái toàn dụng - là điều rất khó đạt được”, chuyên gia kinh tế Matthew Luzzetti của Deutsche Bank Securities Inc. nhận định. “Đến một thời điểm nào đó, họ sẽ phải lựa chọn giữa một bên là chấp nhận tỷ lệ thất nghiệp cao hơn và một bên là chấp nhận lạm phát cao hơn”.

Chuyên đề