Dừng thu phí dự án BOT, Vietinbank “lĩnh đủ”?

(BĐT) - Trạm thu phí hoàn vốn cho dự án Phan Thiết - Đồng Nai vừa chính thức bị ngừng thu phí. Chặng đường hoàn vốn của nhà đầu tư dự án này lại thêm một trở ngại. Rủi ro thu phí nếu có trong trường hợp này sẽ rơi vào ai: nhà đầu tư với chưa đầy 14% vốn, hay Vietinbank - ngân hàng tài trợ vốn với khoản tín dụng lên đến 80% tổng mức đầu tư?
Vietinbank là một trong những ngân hàng đổ nhiều vốn nhất vào các dự án BOT giao thông. Ảnh: Tất Tiên
Vietinbank là một trong những ngân hàng đổ nhiều vốn nhất vào các dự án BOT giao thông. Ảnh: Tất Tiên

Dự án khó về hoàn vốn

Dự án Xây dựng công trình cải tạo nền, mặt đường Quốc lộ 1 đoạn Phan Thiết - Đồng Nai đầu tư theo hình thức PPP (hợp đồng BOT) do Tổng công ty 319 là nhà đầu tư, doanh nghiệp dự án là Chi nhánh BOT 319 Sông Phan - Tổng công ty 319. Nhà đầu tư được khai thác Trạm thu phí Sông Phan (Bình Thuận) để hoàn vốn cho Dự án trong hơn 22 năm.

Tuy nhiên, do Nhà đầu tư chưa khắc phục xong hư hỏng đường, nên trạm Sông Phan đã chính thức bị Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu dừng thu phí từ 12h ngày 21/5. Cụ thể, chỉ ít lâu sau khi đưa vào khai thác từ tháng 3/2015, đoạn đường thuộc Dự án đã bị hằn lún, hư hỏng nặng. Dù liên tục được yêu cầu sửa chữa nhưng tới ngày 20/5, theo kiểm tra thực tế của Cục Đường bộ IV, Nhà đầu tư mới khắc phục được 3.800 m2 đường hằn lún trong số hơn 15.000 m2 phải khắc phục. Theo tính toán của Thanh tra Bộ KH&ĐT, trong 5 tháng đầu tiên thu phí của Dự án, doanh thu bán vé trung bình khoảng 15 tỷ đồng/tháng. Đến thời điểm này, doanh thu có thể cao hơn. Như vậy, việc phải tạm ngừng thu phí có thể sẽ khiến nhà đầu tư hụt thu hàng tỷ đồng, hoặc nhiều hơn nếu thời gian khắc phục hư hỏng bị kéo dài.

Ngoài ra, theo kết luận của cơ quan quản lý sau khi tiến hành thanh tra, doanh thu thực tế của Dự án thấp hơn trong phương án tài chính khoảng hơn 25,4 tỷ đồng mỗi năm, dẫn đến thời gian hoàn vốn sẽ không như dự kiến. Với những bất lợi này, Nhà đầu tư dường như đang gặp nhiều trở ngại trên chặng đường hoàn vốn cho Dự án.

Những khoản tín dụng nhiều rủi ro

Đứng trước những bài toán hoàn vốn này, có nên lo ngại về những khoản tín dụng khổng lồ cho các dự án BOT giao thông của Vietinbank nói riêng, các ngân hàng thương mại nói chung?
Vietinbank là đối tác tài trợ chính của Dự án BOT Phan Thiết - Đồng Nai với tổng số tiền cam kết cho vay là 1.450 tỷ đồng, tương đương 80% tổng mức đầu tư của Dự án. Khoản vay này có thời hạn 14 năm, nghĩa là trung bình mỗi năm chỉ tính trả gốc, nhà đầu tư phải hoàn trả ngân hàng hơn 103,5 tỷ đồng. Với tình hình thu phí hoàn vốn của Dự án như vừa nêu trên, khoản vay của Vietinbank có lẽ đang đứng trước rủi ro.

Dự án BOT giao thông với thời gian thu hồi vốn dài là lĩnh vực cho vay tiềm ẩn nhiều rủi ro, thế nhưng lại được Vietinbank rót rất nhiều vốn. Không chỉ là đối tác tài trợ lớn cho Dự án BOT Phan Thiết - Đồng Nai, Vietinbank là một trong những ngân hàng đổ nhiều vốn vào các dự án BOT giao thông nhất tại Việt Nam. Có thể kể đến 5.909 tỷ đồng rót vào Dự án BOT Đầu tư, nâng cấp đoạn Pháp Vân - Cầu Giẽ (tương đương 84% tổng mức đầu tư dự án); 6.397 tỷ đồng cho Dự án Đầu tư xây dựng cầu Bạch Đằng, đường dẫn và nút giao cuối tuyến nối Hải Phòng - Quảng Ninh (hơn 84% tổng mức đầu tư); 5.372 tỷ đồng cho 2 giai đoạn của Dự án Đầu tư xây dựng Hạng mục mở rộng hầm đường bộ qua Đèo Hải Vân; dự kiến khoảng 4.000 tỷ đồng cho Dự án BOT Cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn;…

Chỉ điểm sơ sơ, số vốn của Vietinbank rót vào các dự án BOT giao thông đã lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng, trong đó ở mỗi dự án, vốn của ngân hàng này thường chiếm trên dưới 80% tổng mức đầu tư.

Nhiều chuyên gia kinh tế lo ngại, với vai trò góp vốn chính, có thể nói ngân hàng mới chính là “ông chủ” thực sự của những dự án BOT giao thông và những rủi ro trong dự án BOT đang được chuyển sang ngân hàng.

Khi “trào lưu BOT” rộ lên trong giai đoạn 2011 - 2015 thì giai đoạn tới khi nhiều công trình đi vào khai thác, trạm thu phí BOT sẽ ngày càng nhiều, cạnh tranh thu phí giữa các dự án BOT là có thể xảy ra. Bên cạnh đó, theo Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Hồng Trường, dù nhiều dự án BOT đã đến thời điểm tăng phí theo lộ trình 3 năm một lần, nhưng do kinh tế khó khăn, để khoan sức dân và doanh nghiệp, Chính phủ chỉ đạo trước mắt không tăng phí BOT.

Đứng trước những bài toán hoàn vốn này, có nên lo ngại về những khoản tín dụng khổng lồ cho các dự án BOT giao thông của Vietinbank nói riêng, các ngân hàng thương mại nói chung?

Chuyên đề