Đừng biến dự án thông thường thành “đặc biệt”

(BĐT) - Hiện tượng xin áp dụng cơ chế đặc biệt để tránh phải tổ chức lựa chọn nhà thầu đang có xu hướng ngày càng phổ biến, làm dấy lên mối lo ngại về tình trạng quá nhiều dự án, gói thầu thông thường bị biến thành “đặc biệt”, nhiều tới mức “đặc biệt” trở nên thông thường.
Đừng biến dự án thông thường thành “đặc biệt”

Điều 26 Luật Đấu thầu quy định về lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt. Theo đó, trường hợp gói thầu, dự án xuất hiện các điều kiện đặc thù, riêng biệt mà không thể áp dụng các hình thức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư quy định tại các điều 20, 21, 22, 23, 24 và 25 của Luật thì người có thẩm quyền trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định phương án lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư.

Vài năm trở lại đây, có không ít địa phương, đơn vị xin cơ chế đặc thù để triển khai nhiều dự án, gói thầu lớn với lý do cấp bách. Tuy nhiên, sau khi được Thủ tướng đồng ý về nguyên tắc, có dự án sau hàng năm trời vẫn chưa triển khai, có dự án dừng triển khai, thậm chí có dự án đã “xin” được vài năm rồi vẫn không nhúc nhích.

Bình luận về hiện trạng nêu trên, nhiều ý kiến cho rằng, dường như tính “cấp bách” chỉ thể hiện ở thủ tục xin phép, mà không hề thể hiện ở thời điểm khởi công, tiến độ thực hiện của dự án, gói thầu.

Về hình thức lựa chọn nhà thầu, hầu hết các dự án đã triển khai theo cơ chế đặc biệt là chỉ định thầu hoặc giao thầu na ná hình thức này.

Dù chưa có quy định chi tiết thi hành Điều 26 Luật Đấu thầu, song các địa phương, đơn vị đã và đang xin Thủ tướng cho phép lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt cần hiểu rõ rằng, phải có “phương án lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư” thể hiện một cách thuyết phục là “gói thầu, dự án xuất hiện các điều kiện đặc thù, riêng biệt mà không thể áp dụng các hình thức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư quy định tại các điều 20, 21, 22, 23, 24 và 25 của Luật Đấu thầu”. Đây cũng là đòi hỏi đối với cơ quan có thẩm quyền khi xem xét, quyết định cho phép một dự án, gói thầu được thực hiện theo cơ chế đặc biệt.

Thêm nữa, nhiều chuyên gia đề xuất rằng, trong phương án lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt, cần làm rõ: Nếu được cho phép áp dụng cơ chế đặc biệt thì bao giờ dự án, gói thầu đó sẽ được khởi công? Nguồn vốn nào để thực hiện dự án, gói thầu? Phương án giải phóng mặt bằng cho dự án, gói thầu ra sao?…

Lựa chọn nhà thầu trong trường hợp đặc biệt luôn tiềm ẩn những rủi ro đối với người ra quyết định và nhiều người liên quan. Luật Đấu thầu quy định chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và người có thẩm quyền về quá trình lựa chọn nhà thầu (Khoản 11 Điều 74). Khoản 1 Điều 90 của Luật Đấu thầu quy định: “Tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về đấu thầu và quy định khác của pháp luật có liên quan thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự”.

Dự thảo Bộ luật Hình sự cũng đề xuất chế tài rất nặng cho tội “vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”.

“Ép” các dự án, gói thầu bình thường thành “đặc biệt” một cách trái quy định của Luật Đấu thầu có thể dẫn tới vòng lao lý.                

Chuyên đề