Dự thảo Quy hoạch điện VIII: Tiếp tục xã hội hóa phát triển ngành điện

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Dự thảo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia giai đoạn 2021 - 2030 có xét đến năm 2045 (Quy hoạch điện VIII) mang tính mở, huy động các nguồn lực xã hội để phát triển ngành điện. Đây là thông tin được đại diện nhà thầu tư vấn lập Dự thảo Quy hoạch điện VIII đưa ra tại hội thảo vừa diễn ra tại Hà Nội.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Đến thời điểm này, Dự thảo Quy hoạch điện VIII về cơ bản đã hoàn thành, theo đúng kế hoạch Bộ Công Thương sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ vào tháng 10/2020.

Theo ông Nguyễn Thế Thắng, Trưởng phòng Phát triển hệ thống điện thuộc Viện Năng lượng - đại diện nhà thầu tư vấn, một trong những điểm đáng chú ý tại Dự thảo Quy hoạch điện VIII là áp dụng cơ chế đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư phát triển các dự án điện.

Ông Thắng cho biết, qua tính toán, vốn đầu tư cho ngành điện giai đoạn 2021 - 2030 dự kiến là 133,3 tỷ USD, trong đó đầu tư phát triển nguồn điện khoảng 96 tỷ USD, lưới điện khoảng 37 tỷ USD, trung bình khoảng trên 13 tỷ USD/năm. Trong giai đoạn 2031 - 2045, tổng vốn đầu tư dự kiến là 184,1 tỷ USD, trong đó đầu tư phát triển nguồn điện là 136,4 tỷ USD, lưới điện là 47,7 tỷ USD, trung bình 12,3 tỷ USD/năm.

“Việc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư phát triển các dự án điện sẽ đảm bảo minh bạch, cạnh tranh, công bằng, và hiệu quả kinh tế, từ đó sẽ khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia phát triển ngành điện”, ông Thắng nhấn mạnh.

Theo nhà thầu tư vấn, việc đấu thầu sẽ căn cứ trên danh mục kế hoạch đầu tư ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Quá trình thực hiện đấu thầu và lựa chọn nhà thầu thực hiện theo pháp luật về đấu thầu. Tùy từng loại hình nguồn điện sẽ sử dụng một trong 3 phương án là: đấu thầu cho từng dự án, đấu thầu đại trà hoặc đấu thầu khu vực. Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo thuộc Bộ Công Thương sẽ tổ chức đấu thầu những dự án nguồn điện có quy mô công suất lớn từ 50MW, dự án lưới điện 220 kV trở lên và lưới điện 110 kV.

Đối với những nhà đầu tư trúng thầu đầu tư phát triển các dự án nguồn điện nhưng thực hiện các dự án chậm trễ, không đảm bảo tiến độ, ông Thắng nhấn mạnh sẽ bị xử lý nghiêm. Trường hợp sau 1 năm chủ đầu tư không thực hiện các bước để xúc tiến dự án thì sẽ giao dự án cho chủ đầu tư khác.

Ủng hộ và đánh giá cao đề xuất trên tại Dự thảo Quy hoạch điện VIII, bà Trần Thị Hồng Việt, cán bộ phụ trách năng lượng Đại sứ quán Đan Mạch cho rằng, cần phải có những kế hoạch linh hoạt hơn để phát triển các dự án điện. Tuy nhiên, đại diện Đại sứ quán Đan Mạch bày tỏ băn khoăn: “Trong Dự thảo Quy hoạch điện VIII có đưa vào Danh mục các dự án đầu tư một số dự án từ Quy hoạch điện VII sang và đã có chủ. Việc áp dụng cơ chế đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư đối với các dự án này sẽ thực hiện ra sao?”

Liên quan đến vấn đề này, ông Hoàng Tiến Dũng, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo thuộc Bộ Công Thương cho biết, trong Quy hoạch điện VIII sẽ có thêm Danh mục dự án điện quan trọng quốc gia và dự án ưu tiên phát triển, trong danh mục này sẽ kế thừa những dự án lớn trong Quy hoạch điện VII điều chỉnh chuyển sang. Tuy nhiên, đối với những dự án mới, vừa được bổ sung vào quy hoạch thì vẫn tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.

“Với những dự án điện nhỏ hơn, chúng ta không đưa ra danh mục như những dự án điện quan trọng quốc gia, dự án ưu tiên phát triển mà sẽ quy hoạch theo từng khu vực có lượng công suất theo giai từng đoạn phát triển. Trên cơ sở đó, xây dựng các kế hoạch đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư thực hiện khối lượng công suất xác định theo từng năm cho từng khu vực”, đại diện Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo nhấn mạnh.

Bên cạnh đề xuất có cơ chế đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư phát triển các dự án điện nhằm đảm bảo nhu cầu về điện cho phát triển, Dự thảo Quy hoạch điện VIII cũng đề xuất một số cơ chế khác để khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào ngành. Chẳng hạn như: xây dựng cơ chế hỗ trợ cho các dự án có tỷ lệ nội địa hóa cao nhằm thúc đẩy nội địa hóa thiết bị, kéo chuỗi cung ứng thiết bị về Việt Nam, tạo điều kiện giảm giá thành sản xuất điện; trợ giá linh hoạt đối với những dự án năng lượng tái tạo quy mô nhỏ, cấp điện vào lưới điện hạ áp hoặc trung áp; xã hội hóa lưới điện truyền tải…

Chuyên đề