Đến năm 2030, công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản Việt Nam đặt mục tiêu đứng trong số 10 nước hàng đầu thế giới. Ảnh: Lê Tiên |
Vẫn còn nhiều điểm yếu
Theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường, trong vòng 10 năm trở lại đây, cơ giới hóa nông nghiệp và công nghiệp chế biến nông sản của Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể.
Hơn 7.500 cơ sở chế biến bảo quản nông sản quy mô công nghiệp gắn với xuất khẩu và hàng vạn cơ sở chế biến nông sản nhỏ, lẻ, hộ gia đình được hình thành. Một số ngành hàng có công nghệ và thiết bị chế biến tương đối hiện đại như chế biến hạt điều, cà phê, lúa gạo, tôm, cá tra.
Tuy nhiên, theo ông Cường, lĩnh vực này vẫn còn hạn chế, yếu kém do phần lớn các doanh nghiệp (DN) chưa chủ động được nguồn cung nguyên liệu bảo đảm về số lượng, chất lượng; liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị sản xuất - chế biến - tiêu thụ của các ngành hàng phần lớn thiếu chặt chẽ; khả năng chế biến đối với một số ngành hàng còn yếu, chưa đáp ứng được nhu cầu, nhất là vào cao điểm của mùa vụ…
Về cơ giới hóa trong sản xuất, ông Cường khẳng định, nâng cao năng lực công nghiệp chế biến và thúc đẩy cơ giới hóa trong nông nghiệp là nội dung căn bản góp phần nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững cho nông sản. Thời gian qua, cơ giới hóa trong nông nghiệp ngày càng được áp dụng rộng rãi trong nhiều khâu của chuỗi sản xuất nông nghiệp. Tuy nhiên, mức độ cơ giới hoá thực tế trong sản xuất nông nghiệp ở một số khâu còn thấp, chưa toàn diện. Trang bị động lực bình quân trong sản xuất nông nghiệp cả nước đạt khoảng 2,4 mã lực/ha canh tác.
Cơ khí trong nước chưa đáp ứng nhu cầu máy, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp về chủng loại, số lượng cũng như chất lượng máy; công nghiệp hỗ trợ kém phát triển khiến giá vật tư, trang thiết bị đắt đỏ do phải nhập khẩu; một số khác sản xuất trong nước nhưng chất lượng thấp và không đồng bộ.
Đổi mới tư duy làm nông nghiệp
Nhấn mạnh yêu cầu đổi mới tư duy làm nông nghiệp, bà Thái Hương, Chủ tịch Hội đồng Chiến lược Tập đoàn TH cho rằng, chỉ đổi mới về công nghệ là chưa đủ mà phải đổi mới cả khoa học quản trị. Theo bà Hương, muốn bán được sản phẩm phải có thương hiệu, cơ chế chính sách về văn hóa doanh nhân. Nền sản xuất của Việt Nam là đi theo hướng hữu cơ, nhưng để đạt được hữu cơ thì đó là cả 1 chặng đường dài và còn nhiều việc phải làm.
Chủ tịch HĐQT Công ty CP Ô tô Trường Hải Trần Bá Dương gợi ý, ngành nông nghiệp cần cơ cấu lại dựa vào thị trường theo hai hướng. Một là sản xuất quy mô lớn, ứng dụng công nghệ phù hợp, tổ chức sản xuất với chất lượng ổn định và dựa vào phân phối tập trung ở các thị trường lớn. Ở quy mô sản xuất nhỏ hơn thì phải dựa trên nền tảng hữu cơ và có tính thiết thực cao.
Nhắc lại nhận định của nhiều nhà đầu tư khi cho rằng nông nghiệp Việt Nam không chỉ đủ ăn mà có thể làm giàu được, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, đây chính là cơ hội, niềm tin mới của chúng ta để phát triển mạnh mẽ sản phẩm, đặc sản thế mạnh rất đa dạng ở từng địa phương.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng lưu ý, tình trạng lãng phí và thất thoát trong nông nghiệp vẫn còn cao; cơ giới hóa còn thấp nên dẫn đến năng suất lao động còn hạn chế. Do đó, Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần lắng nghe, tiếp thu, tháo gỡ, tạo điều kiện cho hộ nông dân, hợp tác xã, DN nông nghiệp phát triển để đón thời cơ mới.
Sau Hội nghị này, Thủ tướng sẽ ban hành Chỉ thị về các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy phát triển công nghiệp chế biến và cơ giới hóa trong nông nghiệp. Bộ NN&PTNT tiếp thu tối đa ý kiến của các đại biểu tại Hội nghị, khẩn trương hoàn thiện nội dung Chỉ thị trình ban hành.