Dự án Tăng cường kết nối giao thông Tây Nguyên: Vướng mặt bằng và dấu hỏi về tiến độ

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Được khởi công từ tháng 8/2021, dự kiến hoàn thành vào tháng 6/2023, nhưng do chậm tiến độ nên Dự án Tăng cường kết giao thông khu vực Tây Nguyên được gia hạn đến 30/6//2024, đồng thời gian hạn hiệp định vay từ 2023 sang 2025. Đến nay, chỉ hơn 20 ngày nữa là thời hạn hợp đồng kết thúc, nhưng vẫn còn gói thầu mới đạt sản lượng 65% công việc.
Dự án Tăng cường kết giao thông khu vực Tây Nguyên có tổng mức đầu tư 3.654,4 tỷ đồng, tổng chiều dài tuyến 143,6 km. Ảnh: Việt Hùng
Dự án Tăng cường kết giao thông khu vực Tây Nguyên có tổng mức đầu tư 3.654,4 tỷ đồng, tổng chiều dài tuyến 143,6 km. Ảnh: Việt Hùng

Dự án có tổng chiều dài tuyến 143,6 km, đi qua tỉnh Bình Định 17 km và tỉnh Gia Lai 126,34 km, do Ban Quản lý dự án 2 (Ban 2) thuộc Bộ Giao thông vận tải (GTVT) làm Chủ đầu tư. Dự án có tổng mức đầu tư 3.654,4 tỷ đồng từ nguồn vay Hiệp hội Phát triển quốc tế (IDA) thuộc nhóm Ngân hàng Thế giới và vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam.

Dự án có 8 gói thầu xây lắp, trong đó 5 gói đã hoàn thành. Các gói thầu còn lại là Gói thầu XL-01, Gói thầu XL-04B và Gói thầu XL04A. Gói thầu XL-01 do Công ty CP Xây dựng Trung Nam 18 E&C đảm nhận, thời hạn hợp đồng đến tháng 6/2024 nhưng đến nay mới đạt sản lượng 65%. Tại gói thầu này, 46 hộ chưa nhận được tiền đền bù do địa phương mới phê duyệt phương án bồi thường giữa tháng 5/2024 với tổng kinh phí khoảng 34 tỷ đồng. Gói thầu XL-04B gồm chiều dài tuyến tránh Pleiku 13,3 km và tuyến chính 5 km do Liên danh Công ty CP Xây lắp và Cơ khí Phương Nam - Công ty TNHH Xây dựng Thuận Nguyên thi công, vướng mắc nhiều nhất là phần tuyến chính do một phần mặt bằng chưa thỏa thuận đền bù, nên công tác hoàn thiện đường đầu cầu phía mố M1 không thể thực hiện. Gói thầu XL04A dài 23,7 km do Liên danh Công ty TNHH Hợp Tiến - Công ty CP Vina Delta thực hiện mới đạt sản lượng 93%.

Theo Chủ đầu tư, khu vực huyện Tây Sơn (tỉnh Bình Định) đang là mùa khô nhưng thi công của nhà thầu vẫn chậm, chưa đáp ứng tiến độ đề ra. “Ban 2 đã liên tục kiểm tra, rà soát tình hình thi công thực tế ngoài hiện trường; tổ chức các cuộc họp kiểm điểm tiến độ. Qua đó, đã yêu cầu nhà thầu bổ sung hoặc thay thế các mũi thi công không đảm bảo tiến độ, chất lượng; lập lại các mốc tiến độ đã bị trượt để trên cơ sở đó yêu cầu nhà thầu tăng cường nhân lực, máy móc, thiết bị, vật tư để đảm bảo tiến độ. Theo lãnh đạo Bộ GTVT, tháng 8 - 9 là mùa mưa nên việc lưu thông trên tuyến đường này sẽ khó khăn hơn. Bộ GTVT quyết tâm hoàn thành sớm tuyến đường này, nhất là đoạn đèo An Khê (Gia Lai) và 2 cây cầu đi qua địa bàn huyện Tây Sơn (cầu Bàu Sen và cầu Ba La).

Một vướng mắc nữa của Dự án là kinh phí chi trả giải phóng mặt bằng (GPMB) hiện chưa được bố trí đầy đủ. Lãnh đạo huyện Tây Sơn cho biết, cơ bản đã thực hiện công tác bàn giao mặt bằng toàn tuyến chính cho Chủ đầu tư và đơn vị thi công triển khai thi công. Đến nay, còn một số hộ dân chưa được nhận tiền đền bù do giải ngân vốn nhỏ giọt nên công tác GPMB gặp nhiều khó khăn. UBND Tỉnh đã có công văn đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo Ban 2 khẩn trương chuyển số tiền khoảng 50 tỷ đồng (bao gồm tiền phát sinh quá trình thi công và tiền bồi thường theo kế hoạch vốn 2024) để thực hiện chi trả cho các hộ dân, chậm nhất trong tháng 5/2024.

Theo Ban 2, Ban đã có đơn rút vốn ngày 19/4/2024 gửi Bộ Tài chính để chuyển về địa phương. Tuy nhiên, Bộ Tài chính yêu cầu Ban và Bộ GTVT giải trình các nội dung liên quan đến việc điều chỉnh thời gian Hiệp định vay của Dự án. Cuối tháng 5, Ban 2 đã làm thủ tục chuyển kinh phí theo kế hoạch vốn 2024 là 20,5 tỷ đồng. “Đối với chi phí còn lại vượt tổng mức đầu tư là 30 tỷ đồng (thiệt hại do nứt nhà dân trong thi công lu nền đường), Ban 2 đang xin ý kiến Bộ GTVT sử dụng dự phòng Dự án để làm cơ sở phê duyệt điều chỉnh cơ cấu tổng mức đầu tư của Dự án. Sau khi Bộ GTVT phê duyệt, Ban 2 sẽ báo cáo Bộ GTVT, Bộ Tài chính phân khai bổ sung kế hoạch vốn cho địa phương, cố gắng trước 30/6/2024”, Chủ đầu tư cho biết.

Chuyên đề