Dự án Hồ chứa nước Ia Mơr 3.000 tỷ đồng: Nguy cơ lãng phí vì vướng chính sách

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Dự án Hồ chứa Ia Mơr tại Tây Nguyên với tổng mức đầu tư khoảng 3.000 tỷ đồng đã gần hoàn thiện các hạng mục xây lắp chính. Nhưng dự án đang đứng trước nguy cơ không thể dẫn nước, vì chưa thể xây hệ thống kênh dẫn nội đồng, do vướng mắc về đất lâm nghiệp. Người dân vùng khô hạn nhất Tây Nguyên đang mỏi mòn chờ tháo nút thắt này.
Dự án Hồ chứa Ia Mơr bị vướng vì có hệ thống kênh dẫn qua khu vực rộng lớn khoảng 8.500 ha là đất rừng chưa được chuyển đổi thành đất nông nghiệp. Ảnh: Tường Lâm
Dự án Hồ chứa Ia Mơr bị vướng vì có hệ thống kênh dẫn qua khu vực rộng lớn khoảng 8.500 ha là đất rừng chưa được chuyển đổi thành đất nông nghiệp. Ảnh: Tường Lâm

Các hạng mục kênh chính sắp về đích

Theo Ban Quản lý đầu tư và xây dựng thủy lợi 8 (Ban 8) thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (bên mời thầu - BMT), Dự án Hồ chứa Ia Mơr có tổng vốn đầu tư 3.000 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn trái phiếu chính phủ, được phê duyệt đầu tư từ năm 2005. Dự án được phân kỳ đầu tư trong hai giai đoạn, gồm hợp phần công trình hồ chứa Plei Pai, đập dâng Ia Lốp và cụm công trình đầu mối hồ chứa nước Ia Mơr. Dự kiến, khi hoàn thành, hồ thủy lợi này sẽ tạo nguồn cấp tưới cho hơn 14.000 ha đất nông nghiệp của tỉnh Gia Lai và 4.000 ha đất nông nghiệp của huyện Ea Súp, tỉnh Đắk Lắk.

Theo thiết kế, công trình hồ thủy lợi Ia Mơr với diện tích mặt nước hơn 2.800 ha. Giai đoạn 1 của Dự án được phê duyệt tổng mức đầu tư hơn 1.500 tỷ đồng và hiện nay đã hoàn thiện hợp phần công trình Hồ chứa nước Plei Pai và đập dâng Ia Lốp. Giai đoạn 2 có tổng mức đầu tư gần 1.300 tỷ đồng và đã hoàn thiện cụm công trình đầu mối hồ Ia Mơr, hệ thống kênh chính Đông, kênh chính Tây…

Theo BMT, hiện Dự án đã hoàn thành những hạng mục quan trọng, hệ thống kênh chính Đông, chính Tây. Dự kiến trong tháng 6 này các kênh dẫn dòng sẽ xây xong. Từ 2 kênh dẫn này, sẽ hình thành những kênh nhánh hình xương cá đưa nước tới từng diện tích đồng ruộng theo quy hoạch.

Trong giai đoạn 2 của Dự án (hoàn thiện hệ thống kênh), nhiều gói thầu xây lắp lớn đã công bố kết quả lựa chọn nhà thầu. Cụ thể, Gói thầu số 06-XL Kênh và công trình trên kênh (CTTK) chính Đông đoạn từ K17+560-:-K26+750 (bao gồm công trình phụ trợ, công trình tạm phục vụ thi công) giao cho Liên danh Công ty CP Xây dựng và Phát triển kinh doanh - Tổng công ty Xây dựng nông nghiệp và phát triển nông thôn Thanh Hóa với giá trúng thầu 66.508.707.000 đồng, thời gian thi công là 17,5 tháng tính từ tháng 6/2019.

Gói thầu số 08-XL Kênh và CTTK chính Tây đoạn từ K0-:-K8+047 (bao gồm công trình phụ trợ, công trình tạm phục vụ thi công) được giao cho Liên danh Tổng công ty Xây dựng nông nghiệp Việt Nam - Công ty CP Xây dựng và Nhân lực Việt Nam với giá trúng thầu 90.267.320.000 đồng, thi công trong 18 tháng.

Gói thầu số 04-XL Kênh và CTTK chính Đông đoạn từ K0-:-K9+800 (bao gồm công trình phụ trợ, công trình tạm phục vụ thi công) với giá trúng thầu 128.211.280.201 đồng thuộc về Tổng công ty Xây dựng nông nghiệp và phát triển nông thôn Thanh Hóa.

Gói thầu số 05-XL Kênh và CTTK chính Đông đoạn từ K9+800-:-K17+560 trị giá 100.499.985.000 đồng được Liên danh Công ty CP Xây dựng và Phát triển kinh doanh - Công ty CP Đầu tư xây dựng và Phát triển nông thôn - Công ty CP Xây dựng Minh Anh thi công trong 18 tháng…

Hồ chứa nước vẫn chờ… kênh dẫn

Tính cả hai giai đoạn, Dự án Hồ chứa nước Ia Mơr đã được Ban 8 nhanh chóng triển khai. Tuy nhiên, trải qua hai giai đoạn, hơn 15 năm và nhiều thay đổi của chính sách về đất rừng, chuyển đổi đất rừng đã khiến đại dự án này đứng trước nguy cơ lãng phí, chưa thể phát huy hiệu quả.

Cụ thể, đến nay, mới chỉ riêng huyện Ea Sup, tỉnh Đắk Lắk xác định được vùng tưới khoảng 4.000 ha. Phần lớn diện tích còn lại cần phục vụ tưới tiêu nằm trên địa bàn tỉnh Gia Lai (chủ yếu là huyện Chư Prông) vẫn chưa xác định được vùng tưới vì vướng đất lâm nghiệp.

Chia sẻ của BMT cho thấy, hệ thống kênh dẫn qua khu vực rộng lớn khoảng 8.500 ha là đất rừng chưa được chuyển đổi thành đất nông nghiệp thuộc tỉnh Gia Lai.

Theo Thông báo số 191/TB-VPCP năm 2016 của Văn phòng Chính phủ yêu cầu không chuyển đổi rừng tự nhiên sang trồng cây công nghiệp và các mục đích khác, trừ các dự án quốc phòng - an ninh đặc biệt được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Vướng những quy định trên nên vùng tưới này vẫn chờ sự đồng ý của các cấp có thẩm quyền. Với diện tích đất rừng phải chuyển đổi rất lớn liên quan đến dự án này, thẩm quyền phê duyệt chủ trương thuộc về Quốc hội.

Theo chính quyền hai tỉnh Đắk Lắk và Gia Lai, dù hồ chứa nước Ia Mơr đã tích nước nhưng cơ quan có thẩm quyền không thể triển khai xây dựng hệ thống kênh dẫn vào vùng tưới. Tình trạng khô hạn, mất mùa và thiếu nước sinh hoạt của người dân ngay cạnh hồ chứa nước ngày càng nghiêm trọng nhưng hiện chưa có giải pháp tháo gỡ.

Trong khi đó, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, sắp tới sẽ trình toàn bộ hồ sơ, thủ tục lên Thủ tướng Chính phủ để báo cáo lên Quốc hội nhằm xin ý kiến về chủ trương chuyển đổi đất rừng sang đất nông nghiệp.

Chuyên đề