Dự án Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé hơn 3.309 tỷ: Quyết tâm về đích trước hạn

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Dự án Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 1 đang trong những ngày cao điểm thi công. Đây là công trình hội tụ những nhà thầu “sừng sỏ” nhất hiện nay về thi công dưới nước. 
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

Phóng viên Báo Đấu thầu đã chứng kiến và ghi nhận không khí thi công tại công trình lịch sử phục vụ sản xuất nông nghiệp vùng Đồng bằng sông Cửu Long. 

Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé là đại dự án mà người dân miền Tây sông nước đang chờ đợi và đếm ngược thời gian về đích. Dự án được phát lệnh khởi công ngày 9/11/2019.

Ngay từ đường dẫn xuống bờ sông Cái Lớn, hàng chục khối sắt thép đồ sộ nằm la liệt trong trạng thái chờ đợi. Lòng sông Cái Lớn (thuộc sông Hậu) rộng lớn dường như đang được thu hẹp lại bởi hàng trăm phương tiện phục vụ thi công, đặc biệt là hàng chục bộ cần trục, xà lan loại lớn nối tiếp nhau đang vận hành. Đứng trên bờ, những cần trục gắn liền với các tên tuổi nhà thầu lớn của Việt Nam trong lĩnh vực đê kè, thủy lợi, thi công công trình dưới nước, gồm: Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Trung Chính, Công ty TNHH Xây dựng và Khảo sát công trình Thanh Tuấn, Công ty TNHH Hòa Hiệp và các tên tuổi khác như Công ty CP Xây dựng Trung Nam 18 E&C, Công ty CP Xây dựng đê kè và Phát triển nông thôn Hải Dương.

Kỹ sư Vương Ngọc Dương, Chỉ huy trưởng của Nhà thầu Thanh Tuấn cho biết, đến ngày 16/6/2020, Nhà thầu đang thi công hoàn thành xà mũ T12, T13, tháp van đợt 2 (cao độ +11m) và đã hoàn thành tháo dỡ khung chống tầng, nhổ cừ lasen. “Riêng phần cống, hạng mục phức tạp nhất đã vượt tiến độ, khối lượng công việc đạt 80%”, kỹ sư Dương cho biết.

Theo quan sát, tại hạng mục đơn vị này thi công đang sử dụng 5 cần cẩu và xà lan, 1 cần cẩu trên bờ, 2 xe đào, 2 trạm bê tông, 4 búa rung và 6 máy phát điện.

Riêng phần kè, các hạng mục đã được Nhà thầu hoàn thành khoảng 50% khối lượng. Nhiều khối lượng đã triển khai như cọc kè (798/1130 tim cọc), kết cấu tường chắn đất đạt 342/567md và đắp cát sau kè đạt 1000/14000m3...

Đây là hiện trường công trình của Gói  thầu XL01 Xây dựng, cung cấp và lắp đặt thiết bị cống Cái Lớn có  giá trúng thầu hơn 1.733 tỷ đồng, thời gian thực hiện là 25 tháng. Liên danh trúng thầu là Công ty TNHH Thương mại và Xây dựng Trung Chính - Công ty CP Lilama 10 - Công ty CP Xây dựng Trung Nam 18 E và C - Công ty CP Xây dựng đê kè và Phát triển nông thôn Hải Dương - Công ty TNHH Xây dựng và Khảo sát công trình Thanh Tuấn - Công ty TNHH Hòa Hiệp.

Dự án Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư 3.309,5 tỷ đồng, gồm 11 gói thầu, trong đó có 3 gói thầu dịch vụ phi tư vấn, 5 gói thầu tư vấn và 3 gói thầu xây lắp.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), trong giai đoạn 1 sẽ thực hiện đầu tư xây dựng cống Cái Lớn (công trình cấp I); cống Cái Bé (cấp II) và xây dựng đê nối hai cống với Quốc lộ 61 (cấp III).

Trao đổi với Báo Đấu thầu, ông Lê Hồng Linh, Giám đốc Ban Đầu tư và thủy lợi 10, đơn vị đại diện chủ đầu tư Dự án cho biết, tiến độ và chất lượng thi công của các nhà thầu tại dự án này vượt trội và đáng ghi nhận. “Với quy mô công trình này, thông thường sẽ có thời gian thi công khoảng 40 tháng. Tuy nhiên, áp lực của hạn mặn tại khu vực quá lớn nên chúng tôi đã tính toán để Dự án hoàn thành trong vòng 25 tháng. Tuy nhiên, các nhà thầu đã cam kết với chúng tôi sẽ hoàn thành sớm hơn, rút ngắn được từ 2 - 4 tháng”.

“Chúng tôi có niềm tin lớn như vậy vì quá trình đấu thầu đã thu hút được sự tham gia của các đơn vị thi công mạnh chuyên về công trình dưới nước. Nguồn vốn cho Dự án đã sẵn sàng, không vướng mặt bằng, nhà thầu chỉ việc thi công. Do đó, các nhà thầu cam kết đẩy nhanh tiến độ để đưa vào vận hành cống Cái Bé trong tháng 1/2021, cống Cái Lớn trong tháng 6/2021”, đại diện Chủ đầu tư cho biết.

Dự án Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé được hoàn thành sẽ giúp kiểm soát nguồn nước (mặn, lợ, ngọt), tạo điều kiện sản xuất ổn định, bền vững đối với các mô hình sản xuất theo hệ sinh thái (ngọt, mặn - lợ, ngọt - lợ luân phiên) cho vùng hưởng lợi tại Đồng bằng sông Cửu Long với diện tích tự nhiên 384.120 ha, trong đó đất sản xuất nông nghiệp, thủy sản là 346.241 ha; kết hợp tuyến đê biển phía Tây tạo thành cụm công trình chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, phòng chống thiên tai; giảm ngập úng khi mặt đất hạ.

Cống Cái Lớn được xây dựng dưới lòng sông Cái Lớn, có tổng chiều dài 470 mét, gồm 11 khoang cống rộng 40 m/khoang, có cao trình ngưỡng -3,5 đến -6,5 m; hai âu thuyền rộng 15 m/âu thuyền, cao trình ngưỡng -5 m, đi theo hai chiều ngược nhau. Cống Cái Bé được xây dựng dưới lòng sông Cái Bé, có tổng chiều dài 85 m, gồm 2 khoang rộng 35 m/khoang, cao trình ngưỡng -5 m và âu thuyền rộng 15 m, cao trình ngưỡng -4 m. Còn tuyến đê nối 2 cống với Quốc lộ 61 có tổng chiều dài 5,843 km được chia làm hai giai đoạn, gồm đoạn từ cống Cái Lớn đến cống Cái Bé có chiều dài 1,031 km; đoạn từ cống Cái Bé đến Quốc lộ 61 có chiều dài 4,812 km. Mặt đê được xây dựng có bề rộng 9 m, cao trình 2 m.

Chuyên đề