Dự án Đường dây 500 kV NĐ Vân Phong - NĐ Vĩnh Tân: Vì sao khó chọn nhà thầu?

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Qua 2 lần tổ chức lựa chọn nhà thầu với nhiều lần điều chỉnh dự toán để xử lý tình huống, mới đây, Ban Quản lý dự án (QLDA) các công trình điện miền Trung (Bên mời thầu) mới chính thức chọn được nhà thầu thực hiện Gói thầu số 7 và Gói thầu số 8 thuộc Dự án Đường dây 500 kV Nhiệt điện (NĐ) Vân Phong - NĐ Vĩnh Tân. Đây cũng là tình trạng chung của nhiều gói thầu xây lắp điện, nguyên nhân là do đơn giá, định mức xây dựng, dự toán lạc hậu, khó khăn về nhân công...
Nhiều gói thầu của Dự án Đường dây 500 kV Nhiệt điện Vân Phong - Nhiệt điện Vĩnh Tân khó chọn nhà thầu do đơn giá, định mức xây dựng lạc hậu. Ảnh minh họa: Lê Tiên
Nhiều gói thầu của Dự án Đường dây 500 kV Nhiệt điện Vân Phong - Nhiệt điện Vĩnh Tân khó chọn nhà thầu do đơn giá, định mức xây dựng lạc hậu. Ảnh minh họa: Lê Tiên

Theo kết quả lựa chọn nhà thầu được công bố, Nhà thầu trúng Gói thầu số 7 Xây lắp đường dây từ G12 đến G18 (bao gồm tổ chức thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng) của Dự án là Công ty TNHH MTV Xây lắp điện 4 với giá trúng thầu là 105,916 tỷ đồng (thời gian thực hiện hợp đồng 600 ngày). Gói thầu số 7 được đấu thầu qua mạng, có 2 nhà thầu nộp hồ sơ dự thầu (HSDT), gồm: Công ty TNHH MTV Xây lắp điện 4 (giá dự thầu sau giảm giá là 108,827 tỷ đồng); Liên danh Công ty CP Đầu tư Xây lắp điện Hải Phòng - Công ty CP Alphanam E&C (giá dự thầu sau giảm giá là 109,523 tỷ đồng). Giá dự thầu sau giảm giá của 2 nhà thầu đều vượt giá gói thầu.

Tại Gói thầu số 8 Xây lắp đường dây từ G18 đến G22 (bao gồm tổ chức thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng) của Dự án, nhà thầu trúng thầu là Công ty CP Xây lắp và Dịch vụ Sông Đà (giá trúng thầu là 125,832 tỷ đồng, thời gian thực hiện hợp đồng 600 ngày). Để trúng thầu, nhà thầu này đã vượt qua 5 đối thủ khác gồm: Công ty TNHH Điện địa phương (giá dự thầu 111,952 tỷ đồng); Công ty CP Sông Đà 11 (giá dự thầu 122,855 tỷ đồng); Tổng công ty CP Xây dựng điện Việt Nam (giá dự thầu 122,895 tỷ đồng); Công ty TNHH MTV Xây lắp điện 4 (giá dự thầu 124,774 tỷ đồng); Công ty CP Xây lắp điện 1 (giá dự thầu 128,735 tỷ đồng). Gói thầu số 8 được đấu thầu rộng rãi qua mạng, có 6 nhà thầu nộp HSDT nhưng giá dự thầu (tính đủ cả phí dự phòng và thuế) của 5 nhà thầu vượt giá gói thầu. Cả 6 nhà thầu đều đạt yêu cầu về kỹ thuật, Công ty CP Xây lắp và Dịch vụ Sông Đà có giá dự thầu thấp thứ 2 trúng thầu do nhà thầu thứ nhất đàm phán không thành công.

Trao đổi với phóng viên Báo Đấu thầu, cán bộ của Ban QLDA các công trình điện miền Trung cho biết, cả 2 gói thầu nêu trên đều phải tổ chức đấu thầu lại với nhiều lần điều chỉnh dự toán để xử lý tình huống. Trong cả 2 lần đấu thầu, Ban đều mời các nhà thầu đến đàm phán, chào lại giá dự thầu để không vượt giá gói thầu, thương thảo về giá trúng thầu nhiều lần.

Ở lần đấu thầu thứ nhất, cả 2 gói thầu đều phải xử lý tình huống đến 3 lần nhưng không thành, đến lần thứ 4 thì phải hủy thầu và tổ chức đấu thầu lại. Khi tổ chức đấu thầu lại, hồ sơ mời thầu (HSMT) được điều chỉnh theo hướng giảm yêu cầu về năng lực (giảm tiêu chí quy định về hợp đồng tương tự xuống còn 50% giá trị dự toán gói thầu, giảm quy định về kinh nghiệm của nhân sự chủ chốt (chỉ huy trưởng và giám sát kỹ thuật) từ kinh nghiệm cấp điện áp 500kV xuống cấp điện áp 220kV...). Tuy nhiên, việc lựa chọn nhà thầu cũng không dễ. Khi đàm phán hợp đồng, nhà thầu xếp hạng thứ nhất khẳng định không thể giảm giá (giá chào thầu vượt giá gói thầu) với lý do: các dự án truyền tải điện hết sức khó khăn, nhiều dự án bị thua lỗ, điều này xuất phát từ việc định mức về xây dựng chưa phù hợp, chưa theo kịp với thực tế; chi phí đền bù phục vụ thi công thực tế cao hơn nhiều so với dự toán, biến động mạnh về chi phí nhân công trong thời gian gần đây, biến động lớn về giá vật liệu đầu vào... Hiện nay, tình hình dịch bệnh Covid- 19 diễn ra phức tạp và tiến độ công trình rất cấp bách dẫn đến phát sinh nhiều chi phí huy động nhân lực, máy thi công, vật tư phục vụ gói thầu. Đây cũng là câu chuyện chung của rất nhiều gói thầu, dự án đường dây truyền tải điện hiện nay.

Chính vì vậy, ngay khi “chốt” được nhà thầu trúng thầu, Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia đã tổ chức ký hợp đồng vào đầu tháng 10/2021. Hiện nay, nhà thầu bắt đầu triển khai thi công.

Việc khó chọn nhà thầu, phải tổ chức đấu thầu nhiều lần cũng diễn ra ở các gói thầu số 6, 10 và 11 của Dự án (hiện nay Gói thầu số 11 đã phải tổ chức đấu thầu 3 lần mà vẫn chưa chọn được nhà thầu). Mặc dù, khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng đã dần được tháo gỡ, nhưng tiến độ tổng thể vẫn bị chậm nên các nhà thầu sau khi trúng thầu phải nỗ lực cùng Chủ đầu tư tập trung đẩy mạnh thi công, khắc phục khó khăn để đảm bảo tiến độ cho Dự án.

Chuyên đề