Dự án Cải tạo rạch Xuyên Tâm (TP.HCM): Vẫn loay hoay tìm vốn

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Dự án Cải tạo rạch Xuyên Tâm đã được phê duyệt gần 20 năm, với 3 lần thay đổi tổng mức đầu tư. Đến nay, nhu cầu triển khai Dự án đã cực kỳ cấp thiết, nhưng cơ chế huy động vốn vẫn đang là bài toán khó với TP.HCM.
Dự án Cải tạo rạch Xuyên Tâm có tổng mức đầu tư 9.352 tỷ đồng, trong đó, kinh phí giải phóng mặt bằng là 4.859 tỷ đồng. Ảnh: Quỳnh Trần
Dự án Cải tạo rạch Xuyên Tâm có tổng mức đầu tư 9.352 tỷ đồng, trong đó, kinh phí giải phóng mặt bằng là 4.859 tỷ đồng. Ảnh: Quỳnh Trần

Tăng mức đầu tư gấp 2,5 lần

Theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng đô thị TP.HCM, số liệu mới nhất cho thấy, Dự án Cải tạo rạch Xuyên Tâm có tổng mức đầu tư lên tới 9.352 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí giải phóng mặt bằng là 4.859 tỷ đồng với phạm vi ảnh hưởng tới 2.138 hộ dân, giải tỏa trắng 915 hộ. Kinh phí còn lại tập trung cho xây lắp hạ tầng.

Dự án có mục tiêu nạo vét, cải tạo môi trường, xây dựng hạ tầng rạch Xuyên Tâm (từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến sông Vàm Thuật) dài 6,2 km. Phạm vi ảnh hưởng của Dự án gồm các quận Bình Thạnh, Gò Vấp. Dự án sẽ cải tạo thoát nước, môi trường, kết hợp xây dựng đường giao thông mới dọc theo hai bên rạch nhằm cải thiện tình hình giao thông và hạ tầng kỹ thuật đồng bộ dọc tuyến, thu gom nước thải về nhà máy nước xử lý nước tập trung của TP.HCM.

Thực tế, trước năm 2010, Dự án Cải tạo rạch Xuyên Tâm đã được đề xuất đầu tư với tổng mức đầu tư khoảng 4.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến năm 2018, sau thời gian dài nằm im, dự án được tính toán lại toàn bộ số liệu thực tế, phát sinh chi phí bồi thường lên tới 3.700 tỷ đồng, tổng mức đầu tư là 8.658 tỷ đồng. Dự án vẫn tiếp tục bất động, dù hồ sơ đề xuất chủ trương Dự án đã được các sở, ngành góp ý thống nhất, đủ điều kiện để trình HĐND TP.HCM thông qua chủ trương đầu tư.

Dự án kéo dài trong niềm mong mỏi của người dân cũng như chính quyền 2 quận Gò Vấp và Bình Thạnh. Bởi, dọc theo tuyến rạch Xuyên Tâm hiện hữu, hình ảnh nhếch nhác, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng rất lớn đến bộ mặt đô thị.

Tháo vướng từ cơ chế

Bà Lê Thị Huỳnh Mai, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) TP.HCM cho biết, do hình thành trong bối cảnh vốn ngân sách TP.HCM rất eo hẹp nên Dự án đã được đề xuất đầu tư theo phương thức PPP (hợp đồng BT), kêu gọi nhà đầu tư tư nhân tham gia xây dựng và chuyển giao cho Thành phố. “Tuy nhiên, trong giai đoạn vừa qua, các dự án BT trên địa bàn TP.HCM đã tạm dừng nên trong thời gian tới, Thành phố sẽ đề xuất phương án thực hiện Dự án phù hợp nhất, có thể theo đầu tư công”, bà Mai nhận định.

Tuy nhiên, theo đại diện Sở KH&ĐT TP.HCM, vì tổng mức đầu tư của Dự án rất lớn, trong khi vốn đầu tư trung hạn của Thành phố không thể bố trí nên trước mắt, TP.HCM kiến nghị Trung ương xem xét để hỗ trợ các chi phí liên quan đến đền bù giải phóng mặt bằng, tái định cư.

Về kinh phí xây lắp, theo UBND TP.HCM, kênh huy động khu vực tư nhân vẫn sẽ được ưu tiên để kêu gọi. Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong nhận định: “Để có nguồn vốn thực hiện Dự án, đặc biệt là kinh phí xây lắp, chúng ta cần tính phương án đấu giá quỹ đất công, sử dụng nguồn lực đất đai, tiền sử dụng đất của một số dự án chưa hoàn thành, tổ chức các điểm du lịch vui chơi dọc tuyến rạch để thu hút du lịch. Bởi Gò Vấp và Bình Thạnh hiện là hai quận nội thành có mức sống cao, nhu cầu của người dân về thương mại, du lịch rất lớn. Đây có thể coi là giải pháp để thu hút nhà đầu tư tư nhân”.

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Lê Hòa Bình chia sẻ thêm, Dự án là niềm mong mỏi của hàng triệu người dân, của tập thể lãnh đạo TP.HCM, dù đang gặp khó khăn về nguồn vốn. Trong thời gian sớm nhất, TPHCM sẽ làm việc với Bộ KH&ĐT, tranh thủ nguồn vốn Trung ương hỗ trợ, đồng thời kêu gọi đầu tư, đền bù, giải phóng mặt bằng, tính toán việc tái định cư cho các hộ dân. “Chỉ khi giải được bài toán mặt bằng thì Dự án mới hấp dẫn các nhà đầu tư, giảm tải áp lực lên ngân sách của Thành phố”, lãnh đạo TP.HCM chia sẻ.

Chuyên đề