Dự án BT “nằm im”, áp lực dồn lên ngân sách TP.HCM

(BĐT) - Trong giai đoạn 2016 - 2020, TP.HCM cần tới 32.997 tỷ đồng cho 172 dự án giao thông trọng điểm, trong đó có 40 dự án áp dụng phương thức đầu tư đối tác công tư (PPP). Nhưng quá trình triển khai cho thấy công tác huy động vốn thực hiện các dự án PPP gặp rất nhiều khó khăn. Chỉ tính hai năm gần đây, khi TP.HCM tạm dừng đàm phán các dự án BT, hàng loạt dự án BT đang án binh bất động, gây nhiều hệ lụy cho cả Thành phố và nhà đầu tư.
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet
Ảnh chỉ mang tính minh họa. Nguồn Internet

“Đứng hình” cục bộ do chậm giao đất

Theo Sở Giao thông vận tải (GTVT) TP.HCM, hiện nhiều dự án đầu tư xây dựng giao thông theo hình thức BT tại TP.HCM đang dẫm chân tại chỗ. Theo đó, tiến độ của các dự án trong khoảng thời gian 2018 - 2019 không có nhiều thay đổi tích cực.

Điển hình như Dự án Vành đai 2 từ đường Phạm Văn Đồng đến cầu vượt Gò Dưa (quận Thủ Đức), do Công ty CP Đầu tư Văn Phú - Bắc Ái thực hiện. Dự án có chiều dài 2,7km với tổng vốn đầu tư hơn 2.100 tỷ đồng, đã bao gồm chi phí giải phóng mặt bằng (GPMB). Trước đó, để triển khai Dự án, TP.HCM đã đồng ý hoán đổi 6 khu đất để nhà đầu tư khai thác. Nhưng từ cuối năm 2018 đến nay, công trình thi công tuyến đường này thực sự “ngủ đông” và ghi nhận trên công trình không có dấu hiệu tổ chức thi công.

Mặc dù theo Công ty CP Văn Phú - Bắc Ái, nhà đầu tư này đã chi hơn 1.000 tỷ đồng để triển khai thi công cũng như ứng vốn thực hiện GPMB nhưng TP.HCM chưa công bố quyết định giao đất để Nhà đầu tư thực hiện các bước tiếp theo. Việc chậm giao đất này đã khiến Văn Phú - Bắc Ái đối diện với rất nhiều rủi ro và khó khăn khi phần nhiều trong kinh phí bỏ ra là vay từ ngân hàng.

Có thể kể đến Dự án Đầu tư xây dựng tuyến đường song hành cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, từ nút giao An Phú đến Vành đai 2 (Q.2) là một ví dụ điển hình của tình trạng dự án BT “nằm im”. Đây là dự án có chiều dài 3,4km và được khởi công từ tháng 4/2017. Theo nhà đầu tư là Liên danh Công ty TNHH Nam Rạch Chiếc - Công ty CP Bất động sản Tiến Phước, hiện Dự án mới chỉ hoàn thành hạng mục kết cấu 2 cầu trên toàn tuyến, hạng mục chính là đường thì mới chỉ xử lý nền đất yếu. Như vậy, đã gần 3 năm kể từ ngày khởi công, Dự án vẫn còn khối lượng công việc đồ sộ phía trước chưa được tiến hành. Hợp đồng ký kết giữa UBND TP.HCM với liên danh nhà đầu tư này có tổng giá trị là 808 tỷ đồng. Và để thanh toán hợp đồng BT dự án này, UBND Thành phố chấp thuận bàn giao cho Liên danh nhà đầu tư khu đất hơn 14,8 ha tại phường An Phú, Quận 2.

Đến nay, những chậm trễ trên chủ yếu do Thành phố chưa chốt việc giao đất cho nhà đầu tư phát triển dự án. 

Tính chuyện đổi phương thức đầu tư

Tại TP.HCM, rất nhiều dự án có quy mô lớn đang thực sự chưa tìm được lối thoát và loay hoay với việc chuyển đổi chủ trương đầu tư. Dự án Cải tạo rạch Xuyên Tâm đang trở thành dự án xuyên thập kỷ bởi quá trình triển khai nhiều lận đận. Nhằm chỉnh trang đô thị, cải thiện môi trường và tăng khả năng thoát nước, năm 2002 TP.HCM phê duyệt dự án cải tạo rạch này. Nhưng đến nay, tiến độ chỉnh trang, cải tạo rạch vẫn bị "treo" bởi nguồn kinh phí lớn và thay đổi chủ trương đầu tư. Mãi đến năm 2016, một nhà đầu tư đề xuất triển khai dự án này theo phương thức PPP, hợp đồng BT với đề xuất sử dụng nguồn quỹ đất thanh toán cho nhà đầu tư là đất dọc hai bên kênh sau khi đền bù giải tỏa.

Tuy nhiên, năm 2017, TP.HCM có chủ trương dừng các dự án BT chờ quy trình mới, nên Dự án tiếp tục “đứng hình”.

Từ tổng mức đầu tư ban đầu khoảng 4.000 tỷ đồng, đến nay, Dự án đã gần chạm mốc 10.000 tỷ đồng, bao gồm cả chi phí bồi thường GPMB. UBND quận Bình Thạnh, địa bàn bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi tình trạng ô nhiễm của rạch Xuyên Tâm đã đề xuất tách dự án bồi thường ra thực hiện theo hình thức đầu tư công thuần túy, còn gói xây lắp có thể thực hiện sau khi có quy định việc sử dụng tài sản công thanh toán cho nhà đầu tư.

Một loạt dự án khác cũng được TP.HCM nghiên cứu chuyển từ phương thức PPP sang  đầu tư công thuần túy, trong đó có Dự án Cải tạo rạch Văn Thánh từ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè đến cầu Điện Biên Phủ. Ngay cả Dự án Nạo vét rạch Xóm Củi đang trong quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu (HSDT) cũng buộc phải chuyển đổi từ PPP sang đầu tư công thuần túy, sử dụng vốn ngân sách Thành phố; Dự án Tuyến Quốc lộ 1 đoạn gần ngã ba Tân Kiên (huyện Bình Chánh); Vành đai 2 gồm đoạn 1 - 2; Quốc lộ 13, Quốc lộ 22, Quốc lộ 50… cũng thuộc diện này.

TP.HCM cho rằng nhiều dự án PPP trong hai năm qua không triển khai do vướng các thủ tục đầu tư, đã khiến TP.HCM lẫn các nhà đầu tư gặp rất nhiều khó khăn.

Trong khi đó, ông Trần Quang Lâm, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, thừa nhận, trong chương trình đột phá giai đoạn 2015 - 2020, Thành phố có 172 dự án với tổng kinh phí hơn 373 nghìn tỷ đồng, trong đó các dự án PPP chiếm khoảng 70%. Nhưng thực tế đến thời điểm này, các dự án được thực hiện theo phương thức PPP chiếm tỷ lệ rất thấp. Do đó, khả năng hoàn thành chương trình đột phá là rất khó. Hiện nay, Thành phố đang rà soát tất cả các dự án BT theo Nghị quyết 160/NĐ-CP của Chính phủ về việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức BT. Đồng thời giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính tham mưu phương thức thanh toán đất cho các hợp đồng BT đã ký đúng theo Nghị định 69/2019/NĐ-CP của Chính phủ quy định việc sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức BT.

Theo đánh giá của các chuyên gia, đây được xem là cách mà TP.HCM đang xoay trở, tìm hướng ra cho các dự án BT trong thời điểm hiện nay.

Chuyên đề