Dự án 500 tỷ đồng tại TP.HCM: Huyện trả hồ sơ vì các sở... im lặng

0:00 / 0:00
0:00

(BĐT) - Dự án Đầu tư xây dựng Khu nông nghiệp công nghệ cao ngành thủy sản Cần Giờ (TP.HCM) do Ban Quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao làm chủ đầu tư, trực tiếp mời thầu đang tiếp tục hành trình “kêu cứu” vì mọi nỗ lực gỡ khó từ phía Chủ đầu tư đều rơi vào im lặng. Đây có thể nói là một minh chứng cho những bất cập trong sự phối hợp giữa các cấp làm chậm giải ngân vốn đầu tư công.

Dự án Đầu tư xây dựng Khu nông nghiệp công nghệ cao ngành thủy sản Cần Giờ (TP.HCM) đã “án binh bất động” hơn 2 năm nay. Ảnh: Ngọc Tiến
Dự án Đầu tư xây dựng Khu nông nghiệp công nghệ cao ngành thủy sản Cần Giờ (TP.HCM) đã “án binh bất động” hơn 2 năm nay. Ảnh: Ngọc Tiến

TP.HCM liên tục chỉ đạo gỡ vướng

Dự án trên được HĐND TP.HCM quyết định đầu tư tại Nghị quyết số 08/NQ-HĐND ngày 26/8/2015. Mục tiêu của Dự án là hình thành hạ tầng kỹ thuật phục vụ cho hoạt động nghiên cứu khoa học, trình diễn thử nghiệm các mô hình sản xuất giống và nuôi trồng thủy sản nước mặn, nước lợ ứng dụng công nghệ cao trong điều kiện, đặc điểm sinh thái, địa lý của TP.HCM cũng như khu vực Nam Bộ. Thời gian thực hiện Dự án từ năm 2016 - 2021 với tổng mức đầu tư là 498,8 tỷ đồng. Tuy nhiên, vì có sự chồng lấn 1,5 ha giữa đất Dự án với đất rừng phòng hộ Cần Giờ mà Dự án đã “án binh bất động” hơn 2 năm nay.

Những khó khăn, vướng mắc mà Dự án đang gặp đã được Báo Đấu thầu phản ánh chi tiết trong bài viết “Khu nông nghiệp công nghệ cao tại Cần Giờ, TP.HCM: Vướng rừng phòng hộ, nhiều gói thầu bất động”, đăng ngày 30/9/2020.

Ngày 15/11/2019, Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đã chỉ đạo: “Chấp thuận cho Ban Quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao thực hiện bàn giao cho UBND huyện Cần Giờ, Ban Quản lý rừng phòng hộ Cần Giờ phần diện tích 15.607,9 m2 đất chồng lấn vào hiện trạng đất rừng phòng hộ để phục vụ công tác phát triển rừng và điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu 1/2.000 của Dự án. Giao Sở Quy hoạch - Kiến trúc hướng dẫn UBND huyện Cần Giờ thực hiện điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu 1/2.000 của Dự án, đồng thời cập nhật nội dung đồ án quy hoạch Khu nông nghiệp công nghệ cao ngành thủy sản tại xã Long Hòa, huyện Cần Giờ vào đồ án quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5.000 của huyện Cần Giờ và đồ án quy hoạch chung xây dựng Thành phố; báo cáo kết quả trình UBND Thành phố trước ngày 20/12/2019”.

Bên cạnh đó, ngày 3/3/2020, UBND TP.HCM đã ban hành Công văn số 736/UBND-KT giao huyện Cần Giờ thực hiện điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu 1/2.000 đối với Dự án.

Chủ đầu tư đã có Tờ trình số 303/TTr-NNCNC gửi UBND huyện Cần Giờ về việc thẩm định phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 Khu nuôi trồng thủy sản công nghệ cao (Khu nông nghiệp công nghệ cao ngành thủy sản) tại xã Long Hòa.

Ngày 19/8/2020, UBND huyện Cần Giờ đã có Công văn số 4186/UBND lấy ý kiến của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Sở Quy hoạch - Kiến trúc; Sở Tài nguyên và Môi trường đối với việc điều chỉnh cục bộ đồ án quy hoạch phân khu xây dựng tỷ lệ 1/2.000 Khu nuôi trồng thủy sản công nghệ cao.

Có tiền không dễ tiêu

Ngày 20/10/2020, Phòng Quản lý đô thị huyện Cần Giờ đã có Công văn số 1748/QLĐT đề nghị Ban Quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao nhận lại hồ sơ điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 Khu nuôi trồng thủy sản công nghệ cao với lý do UBND huyện Cần Giờ chưa nhận được văn bản phản hồi từ các sở, ngành nêu trên.

Đến nay, Dự án đã thực hiện được các hạng mục: bồi thường giải phóng mặt bằng; các gói thầu tư vấn và dịch vụ phi tư vấn; các gói thầu thi công san lấp mặt bằng và xây dựng tường rào, cổng và nhà bảo vệ. Tổng kinh phí giải ngân đến ngày 30/9/2020 là 109.235.618.881 đồng, tương đương 21% tổng mức đầu tư.

Từ vướng mắc về chồng lấn ranh, Dự án đã tạm ngưng thi công từ tháng 4/2018 để thực hiện thủ tục điều chỉnh quy hoạch. Tuy nhiên đến nay đã hơn 2 năm, Dự án vẫn chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh. Điều này ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện Dự án và tổng mức đầu tư đã được HĐND và UBND Thành phố phê duyệt. Ban Quản lý Khu nông nghiệp công nghệ cao đã nhiều lần thoái vốn đầu tư công được giao, ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân của đơn vị và Thành phố.

Bên cạnh đó, việc Dự án kéo dài thời gian xây dựng sẽ làm ảnh hưởng đến hiệu quả sử dụng đất và hiệu quả phát triển kinh tế - xã hội của huyện Cần Giờ nói riêng và TP.HCM nói chung. Câu chuyện “có tiền đâu phải dễ tiêu” này chưa biết bao giờ mới kết thúc.

Chuyên đề