Nhân viên giao dịch trên sàn chứng khoán New York. Ảnh:Reuters |
Chỉ số công nghiệp Dow Jones đóng cửa phiên giao dịch ngày 2/3 tăng gần 1.294 điểm, tương đương 5,1%, lên 26.703 điểm, đánh dấu phiên tăng điểm mạnh nhất từ tháng 3/2009.
S&P 500 chốt phiên đầu tuần tăng 4,6%, mức tăng ngày tốt nhất kể từ tháng 12/2018, đóng cửa ở 3.090 điểm. Nasdaq Composite cũng có phiên giao dịch tích cực nhất trong hơn một năm, tăng 4,5% lên 8.952 điểm.
Cổ phiếu Apple vào nhóm dẫn đầu đà tăng của Phố Wall với hơn 9,3%. Merck và Walmart tăng lần lượt 6,3% và 7,6%. Cổ phiếu các ngành điện nước gas, công nghệ, hàng tiêu dùng và bất động sản đều tăng hơn 5%.
Đà tăng của chứng khoán Mỹ, cũng như các thị trường châu Á trong phiên đầu tuần, là do nhà đầu tư đặt cược vào khả năng các ngân hàng trung ương đưa ra nhiều biện pháp nới lỏng để hỗ trợ nền kinh tế trước rủi ro dịch Covid-19 leo thang.
Viện Quản lý cung ứng của Mỹ cho biết hoạt động sản xuất trong nước hầu như không tăng trưởng tháng trước do các vấn đề về nguồn cung xuất phát từ sự bùng phát dịch viêm phổi. Tuy nhiên, điều này khiến nhà đầu tư tin rằng kịch bản hạ lãi suất của Fed đang đến gần.
"Nền kinh tế có thể tránh khỏi suy thoái, nhưng nếu dịch bệnh bắt đầu tràn vào các công ty và ảnh hưởng tới khả năng trả nợ, điều đó sẽ gây ra những vấn đề sâu sắc hơn", Jack Ablin, Giám đốc đầu tư Cresset Wealth Advisors nhận định, "Nhưng điều này, theo tôi, sẽ thúc đẩy các ngân hàng trung ương tìm cách bảo vệ thị trường tín dụng khỏi sự bất ổn".
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) Haruhiko Kuroda ngày thứ hai (2/3) cho biết nước này sẽ thực hiện những chính sách cần thiết để ổn định thị trường tài chính. Điều này diễn ra sau một động thái tương tự của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell vào thứ sáu tuần trước.
Theo công cụ FedWatch của CME Group, giới đầu tư đặt cược khả năng Fed tiếp tục giảm lãi suất thêm 50 điểm cơ bản tại cuộc họp tháng 3 là 100%.