Đồng USD đứng trước áp lực giảm giá mạnh?

Giới chuyên gia dự báo có nhiều nhân tố có thể làm suy yếu đồng USD trong 2020...
Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.
Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters.

Đồng USD đã giảm giá mạnh trong tháng 12 vừa qua và mọi chuyện có thể trở nên tồi tệ hơn nữa đối với đồng tiền này trong thời gian tới.

Theo hãng tin Bloomberg, đó là quan điểm của nhiều nhà quản lý quỹ và chiến lược gia. Họ cho rằng thỏa thuận "ngừng bắn" thương mại Mỹ-Trung, triển vọng kinh tế toàn cầu khởi sắc, và chênh lệch lợi suất giảm của trái phiếu kho bạc Mỹ sẽ làm suy yếu đồng bạc xanh.

"Chúng tôi dự báo tăng trưởng sẽ tốt lên tại các nền kinh tế ngoài Mỹ", nhà quản lý danh mục McIntyre thuộc Brandywine Global Investment Management phát biểu. "Nguyên nhân chính khiến đồng USD giảm giá sẽ là thay đổi trong tương quan tăng trưởng kinh tế giữa Mỹ với phần còn lại của thế giới".

Chỉ số Bloomberg Dollar Spot Index, một thước đo tỷ giá của USD so với 10 đồng tiền chủ chốt khác, giảm 2% trong tháng 12, đánh dấu tháng giảm mạnh nhất trong khoảng 2 năm trở lại đây. Với mức giảm này, chỉ số gần như đánh mất hết thành quả tăng trước đó trong 2019, đồng thời có thể đạt dấu chấm hết cho đợt tăng kéo dài suốt mấy năm qua.

Trước đó, từ mức đáy thiết lập vào năm 2011 tới mức đỉnh vào đầu 2017, Bloomberg Dollar Spot Index đã tăng 40%.

Đồng USD bắt đầu giảm giá từ tháng 10 khi Washington và Bắc Kinh tiến tới đạt một thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 để xuống thang thương chiến song phương. Việc đạt thỏa thuận đã được Tổng thống Mỹ Donald Trump xác nhận vào đầu tháng 12.

Sau thông tin này, các quỹ đầu cơ và các nhà đầu cơ giá lên đồng USD bắt đầu chuyển sang bán khống ròng đồng USD lần đầu tiên kể từ tháng 6/2018, theo số liệu từ Ủy ban Giao dịch hàng hóa tương lai Mỹ (CFTC).

"Năm 2019, đồng USD đã được hỗ trợ bởi nhu cầu phòng ngừa rủi ro, nhưng giờ thì Mỹ và Trung đã có một thỏa thuận đình chiến", chiến lược gia cấp cao về ngoại hối Georgette Boele thuộc ABN Amro Bank nhận xét. "Đồng USD đang bươc vào một thời kỳ giảm giá có thể kéo dài".

Đồng bạc xanh cũng đã mất đi một trụ cột khác phía sau đợt tăng liên tiếp mấy năm qua. Sau 4 lần nâng lãi suất trong 2018, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã có ba lần hạ lãi suất trong năm 2019 để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế Mỹ.

"FED vẫn còn dư địa để giảm lãi suất thêm trong 2020, và vì lý do này tôi dự báo đồng USD sẽ giảm giá", ông Jim Leaviss, trưởng bộ phận trái phiếu thuộc M&G Investments, phát biểu. Theo ông Leaviss, "FED có thể chịu áp lực giảm lãi suất lớn hơn nữa nếu tăng trưởng kinh tế Mỹ không khởi sắc trước kỳ bầu cử Tổng thống vào tháng 11 năm nay".

Trong năm 2019, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm khoảng 0,8 điểm phần trăm. Lập trường chính sách tiền tệ trở nên mềm mỏng của FED khiến chênh lệch lợi suất giữa trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 2 năm và trái phiếu chính phủ Đức cùng kỳ hạn giảm còn 2,17 điểm phần trăm, từ mức 3,5 điểm phần trăm vào cuối 2018, theo số liệu của Bloomberg.

Tuy nhiên, không phải chuyên gia nào cũng cho rằng đồng USD sẽ tiếp tục giảm giá.

Ngân hàng Citigroup khuyến nghị đặt cược vào sự tăng giá của bạc xanh so với Euro và Đôla Canada, trên cơ sở cho rằng nền kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng mạnh hơn phần còn lại của thế giới. Ngân hàng Goldman Sachs thì cho rằng USD sẽ chỉ giảm giá nếu đồng Euro và đồng Nhân dân tệ tăng giá mạnh, trong khi điều này khó có thể xảy ra, ít nhất ở thời điểm hiện tại.

Ngân hàng National Australia Bank nghiêng về khả năng USD tiếp tục giảm giá, nhưng cho rằng tốc độ giảm sẽ diễn ra chậm thay vì xuất hiện bán tháo ồ ạt.

"Đồng USD bước vào năm 2020 trong trạng thái được định giá cao so với giá trị thực một cách căn bản", một báo cáo của National Australia Bank nhận xét. "Chúng tôi cho rằng USD sẽ giảm giá trong 2020, nhưng giảm một cách tương đối chậm, trừ phi FED tiếp tục nới lỏng chính sách tiền tệ hoặc có sự cải thiện mạnh mẽ của triển vọng tăng trưởng các nền kinh tế ngoài Mỹ".

Chuyên đề