Đóng góp từ thuế, phí vào ngân sách: Nói cao thì thật là cao!

(BĐT) - Bộ Tài chính vừa lên tiếng khẳng định, mức động viên của ngân sách nhà nước (NSNN) từ thuế, phí, lệ phí của Việt Nam không hề cao, thậm chí thấp hơn mức trung bình của thế giới. 
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Khẳng định này trái ngược với nhận định của cộng đồng doanh nghiệp (DN). Còn theo đánh giá của TS. Mai Xuân Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thì mức đóng góp vào NSNN từ thuế, phí: “Nói cao thì thật là cao”. 

Không chỉ Bộ Tài chính, ngay cả Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cũng nhiều lần lên tiếng, mức đóng góp vào NSNN từ hoạt động sản xuất, kinh doanh không hề cao. Tuy nhiên, DN lại không nghĩ như vậy?

Cơ quan quản lý nhà nước và DN ai cũng có cái lý của mình và nhìn ở hai khía cạnh khác nhau thì ai cũng đúng. Trước sự phàn nàn của DN, theo tôi được biết, mới đây, Bộ Tài chính đã khẳng định, mức đóng góp từ thuế, phí, lệ phí vào NSNN không hề cao. Cụ thể, trong giai đoạn 2011 - 2015, tổng số thu NSNN bằng 23,3% GDP, trong đó tỷ lệ động viên từ thuế, phí tương đương 20,9% GDP - thấp hơn so với Thái Lan (23% GDP), Indonesia (16,6% GDP), Lào (23,4% GDP), Malaysia (24,5% GDP)... Đáng nói là tỷ lệ động viên từ thuế, phí/GDP giai đoạn này còn không đạt mục tiêu đặt ra là tương đương 22 - 23% GDP.

Tôi cũng muốn nói thêm rằng, NSNN của Việt Nam có tính chất đặc thù so với nhiều nước trên thế giới là hạch toán toàn quốc, trong khi các nước ngoài ngân sách quốc gia còn có ngân sách bang, hay tỉnh có tính chất tương đối độc lập. Vì thế, nếu lấy ngân sách quốc gia của Việt Nam so với ngân sách quốc gia của nhiều nước thì số động viên vào NSNN/GDP của Việt Nam có thể cao hơn, nhưng ở nước ngoài, DN ngoài đóng thuế vào ngân sách quốc gia họ còn phải đóng thuế cho từng bang, tỉnh với các mức thuế suất khác nhau tùy thuộc vào từng bang, tỉnh.

Một đặc thù nữa là thuế, phí của nước ta bao gồm tất cả các khoản thu, trong đó có nhiều khoản thu từ vốn - khoản này nước ngoài không tính vào thuế, phí nên nếu so sánh giữa tổng số thu vào NSNN của Việt Nam so với số thu chỉ tính từ thuế, phí và loại trừ số thu từ vốn thì tổng mức động viên của Việt Nam có thể cao hơn một số nước. 

Đóng góp từ thuế, phí vào ngân sách: Nói cao thì thật là cao! ảnh 1
TS. Mai Xuân Hùng
Vậy nếu loại trừ các khoản thu từ vốn thì mức đóng góp của DN vào NSNN là bao nhiêu, thưa ông?

Nếu loại trừ số thu từ dầu thô thì mức đóng góp của DN chỉ tương đương 17,2% GDP, trừ tiếp đi số thu từ tiền sử dụng đất thì chỉ còn tương đương 15,6% GDP. 

Trong tổng mức đóng góp từ thuế, phí của DN vào NSNN thì thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) chiếm tỷ trọng cao nhất. Đáng nói là, kể từ năm 1999 đến nay, nhằm động viên, khuyến khích người dân bỏ vốn ra đầu tư, khuyến khích đầu tư nước ngoài, Việt Nam đã liên tục giảm thuế TNDN từ 32% xuống 28%, sau đó xuống 25% và 22% (DN nhỏ và vừa chỉ phải chịu thuế suất 20%). Và kể từ 1/1/2016 xuống mức 20% (DN nhỏ và vừa chịu thuế suất 17%).

Không chỉ giảm thuế suất thuế TNDN, trong những năm vừa qua, Việt Nam còn mở rộng ưu đãi cho địa bàn, lĩnh vực khuyến khích đầu tư, cộng thêm việc bãi bỏ khống chế quảng cáo, tiếp thị, khuyến mại trong xác định thu nhập chịu thuế TNDN nên mức đóng góp của DN vào NSNN qua thuế TNDN giảm rất mạnh. 

Nói như vậy chẳng khác nào DN “đổ oan” cho cơ quan quản lý nhà nước?

DN cũng như cách tính toán của các tổ chức tài chính quốc tế, họ không cần biết sắc thuế nào, loại phí, lệ phí nào, chỉ biết rằng tổng mức đóng góp của họ trên thu nhập rất lớn. Cụ thể, ngoài các loại thuế, phí, lệ phí, DN phải đóng cho người lao động khoản bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế và bảo hiểm thất nghiệp mỗi năm một tăng (hiện tại là 22% tổng quỹ lương). Kể từ năm 2016 trở đi, mức đóng góp này tăng mạnh vì DN phải đóng thêm 2% (tính trên quỹ lương) kinh phí công đoàn cho người lao động.

Ngoài các khoản kể trên, DN phải đóng rất nhiều loại phí, lệ phí, mà theo xu hướng các loại phí, lệ phí đang tiến tới giá dịch vụ, tính đúng, tính đủ nên tăng liên tục (không kể “phí bôi trơn”, “phí gầm bàn”). Như vậy, rõ ràng DN cho rằng, mức đóng góp của họ vào NSNN rất cao cũng không sai. 

Cụ thể, cộng tất cả các khoản đóng góp vào NSNN thì mức đóng góp của DN Việt Nam có cao hơn so với bình quân của thế giới không, thưa ông?

Nếu so với GDP thì tổng mức đóng góp của DN Việt Nam không hề cao, thậm chí vẫn còn thấp hơn nhiều so với rất nhiều nước trong khu vực. Tuy nhiên, do quy mô nền kinh tế của quá nhỏ, thu nhập bình quân đầu người quá thấp nên mức đóng góp thấp lại hóa cao. Đơn cử, năm 2015 quy mô nền kinh tế của nước ta là 193,4 tỷ USD, trong khi tổng số thu vào NSNN 41 - 42 tỷ USD là quá cao so với các quốc gia có quy mô nền kinh tế trên 1.000 tỷ USD trong khi tổng số thu từ thuế, phí 200 - 300 tỷ USD. 

Xem ra, giải bài toán này quá khó?

Tất cả các sắc thuế mới được sửa đổi, bổ sung đều giảm nghĩa vụ đóng góp của người dân và DN tới mức cao nhất nên khó có thể giảm hơn được nữa, nếu tiếp tục giảm ngân sách không biết lấy gì đáp ứng nhu cầu chi tiêu tối thiểu. Vì vậy, giải bài toán này, theo tôi chỉ còn cách đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trên cơ sở đơn giản hóa tối đa, rõ ràng, minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện để DN không phải mất “chi phí gầm bàn”, “chi phí bôi trơn”, giảm tối đa thời gian, công sức, chi phí cho DN.

Chuyên đề