Thủ tục đất đai, xây dựng là những “nút thắt” phải tháo gỡ cho doanh nghiệp. Ảnh: Lê Tiên |
Thiếu rõ ràng về điều kiện kinh doanh
Theo kết quả khảo sát và đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), việc ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung nhiều đạo luật quan trọng thời gian qua như: Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai, Luật Đấu thầu, Luật Xây dựng, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Bảo vệ môi trường và các luật thuế... đã góp phần xóa bỏ một loạt rào cản đầu tư, kinh doanh không phù hợp với thông lệ kinh tế thị trường và cam kết hội nhập của Việt Nam, tạo cơ sở pháp lý cho việc cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng ngày càng thuận lợi, minh bạch và bình đẳng giữa các doanh nghiệp và nhà đầu tư.
Tuy nhiên, thực tiễn quá trình một năm thực hiện Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và các luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh cũng đặt ra yêu cầu phải tiếp tục hoàn thiện hơn nữa các luật này nhằm nâng cao hiệu quả thi hành, đồng thời bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật về đầu tư, kinh doanh.
Bộ KH&ĐT đánh giá, việc ban hành Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện theo phương pháp chọn bỏ là cách tiếp cận hiện đại, minh bạch, phù hợp với cam kết của Việt Nam theo Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao cải cách quan trọng đó của Luật Đầu tư, nhưng đề nghị tiếp tục rà soát, bãi bỏ một số ngành, nghề và điều kiện đầu tư kinh doanh không còn cần thiết hoặc trùng lặp. Mặt khác, việc thực hiện quy định về ngành, nghề và điều kiện kinh doanh cũng gặp một số vướng mắc, lúng túng do có sự không thống nhất trong cách hiểu về nội hàm cũng như cách thức áp dụng của điều kiện kinh doanh. Điều này một phần là do những cải cách về điều kiện kinh doanh còn hết sức mới mẻ, chưa có trải nghiệm thực tế, nhưng cũng có nguyên nhân từ sự thiếu rõ ràng trong quy định về điều kiện kinh doanh cũng như mối quan hệ giữa điều kiện kinh doanh với các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật theo quy định của Luật Đầu tư và các luật chuyên ngành.
Bộ KH&ĐT cho biết, mặc dù đã có nhiều cải cách, nhưng một số luật quy định về đất đai, xây dựng, môi trường, kinh doanh bất động sản... vẫn bộc lộ một số hạn chế, chưa thật sự tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp. Đặc biệt, thủ tục thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất chưa được quy định thống nhất, đồng bộ giữa các luật nên đã dẫn đến sự chồng chéo về mục tiêu, nội dung quản lý, cơ quan thẩm định, phê duyệt, đồng thời không có sự kế thừa, công nhận kết quả của nhau.
Cộng đồng doanh nghiệp cho rằng, thủ tục đầu tư, đất đai, xây dựng là chuỗi thủ tục tồn tại nhiều khó khăn nhất và là một trong những “nút thắt” phải tháo gỡ nhằm tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh. Bên cạnh đó, việc sửa đổi, bổ sung các luật về đầu tư, kinh doanh cũng là yêu cầu cấp bách nhằm thực hiện cam kết của Việt Nam về tự do hóa đầu tư và thương mại theo các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới được ký kết trong thời gian gần đây.
Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư
Thứ hai là củng cố, hoàn thiện chính sách bảo hộ và khuyến khích đầu tư nhằm tạo niềm tin cho người dân và doanh nghiệp về tính an toàn và thân thiện của môi trường đầu tư, kinh doanh nói chung cũng như tính hấp dẫn và ổn định trong hệ thống chính sách ưu đãi đầu tư nói riêng. Thứ ba là tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là thủ tục thực hiện các dự án đầu tư có sử dụng đất nhằm bảo đảm tính liên thông, đồng bộ giữa thủ tục đầu tư với thủ tục về đất đai, quy hoạch, xây dựng, môi trường và các thủ tục có liên quan khác...
Cuối cùng là đổi mới phương thức quản lý các hoạt động đầu tư, kinh doanh theo hướng chuyển mạnh từ tiền kiểm sang hậu kiểm, đồng thời hoàn thiện cơ chế phân cấp giữa các cơ quan trung ương và cơ quan địa phương trong công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh.
Bộ KH&ĐT cho biết, với những mục tiêu trên, dự án Luật sửa đổi, bổ sung các Luật về đầu tư, kinh doanh được xây dựng trên cơ sở quán triệt đầy đủ định hướng, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh và hỗ trợ, phát triển doanh nghiệp theo tinh thần của Nghị quyết số 19/NQ-CP và Nghị quyết số 35/NQ-CP của Chính phủ.