Dồn lực giải ngân vốn đầu tư công

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Năm 2022, cùng với số vốn theo kế hoạch năm, sẽ còn một lượng vốn đầu tư công lớn từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cần giải ngân. Kết quả giải ngân 2 tháng đầu năm 2022 bước đầu cho thấy những tín hiệu lạc quan. Tuy nhiên, trong thời gian tới sẽ cần nhiều nỗ lực hơn nữa để dòng vốn lớn từ đầu tư công nhanh chóng chảy vào nền kinh tế, tạo thêm động lực cho tăng trưởng.
Bên cạnh hơn 526.105 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước kế hoạch năm 2022, còn một lượng vốn lớn từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cần được giải ngân. Ảnh: Song Lê
Bên cạnh hơn 526.105 tỷ đồng vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước kế hoạch năm 2022, còn một lượng vốn lớn từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cần được giải ngân. Ảnh: Song Lê

Lập đường găng giải ngân

Là bộ có số vốn kế hoạch đầu tư công năm 2022 lớn, nhiệm vụ giải ngân của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) là rất nặng nề. Theo Chỉ thị đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2022 được ban hành trong tháng 2 vừa qua, Bộ GTVT xác định rõ mục tiêu giải ngân kế hoạch tổng thể các dự án của Bộ đến hết tháng 12/2022 đạt tối thiểu 90% kế hoạch và đến 31/1/2023 phấn đấu giải ngân 100% kế hoạch. Theo Vụ Kế hoạch - Đầu tư thuộc Bộ GTVT, trong 2 tháng đầu năm, nhiều chủ đầu tư, ban quản lý dự án có kết quả giải ngân tốt. Trong tháng 3/2022, theo kế hoạch đăng ký, Bộ GTVT sẽ giải ngân khoảng 3.500 tỷ đồng.

Bộ trưởng Bộ Xây dựng cũng đã ban hành Chỉ thị về việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư thuộc Bộ Xây dựng và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022. Bộ nhấn mạnh đối với các chủ đầu tư không đạt tiến độ theo cam kết, chậm nộp báo cáo quyết toán dự án hoàn thành, không đạt 100% kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, sẽ xem xét, xử lý trách nhiệm người đứng đầu đơn vị, đồng thời xem xét việc điều chuyển chủ đầu tư dự án, kiên quyết không giao vốn để khởi công mới các dự án khác, không giao làm chủ đầu tư các dự án khác. Chỉ thị cũng nêu rõ mốc thời gian các chủ đầu tư phải thực hiện…

Nhiều địa phương đã xây dựng các đường găng tiến độ giải ngân làm mục tiêu thực hiện. Ngày 9/3/2022, UBND tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo các đơn vị thuộc Tỉnh quyết tâm đạt mục tiêu đề ra là đến 30/6/2022 giải ngân đạt 50%, đến 30/9/2022 đạt 80% và đến 31/12/2022 đạt 100% kế hoạch vốn. UBND Tỉnh nêu rõ mốc tiến độ đối với các dự án khởi công mới năm 2022, các công trình trọng điểm, chuyển tiếp... Trong đó, Dự án Đường cao tốc Vân Đồn - Tiên Yên hoàn thành đưa vào sử dụng trước ngày 30/4/2022; Dự án Cầu Cửa Lục 3 hoàn thành trước 2/9/2022; Dự án Xây dựng hoàn chỉnh nút giao Đầm Nhà Mạc hoàn thành trước ngày 31/7/2022…

Theo Sở Tài chính tỉnh Hậu Giang, tính đến ngày 28/2/2022, vốn đầu tư công giải ngân của Tỉnh đạt 344,196 tỷ đồng, tương ứng 13,66% kế hoạch, vượt 0,3% so với cùng kỳ năm 2021. Với quyết tâm đạt mục tiêu giải ngân 100% vốn kế hoạch năm 2022, 10 Tổ công tác chỉ đạo giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 tỉnh Hậu Giang đã được thành lập. UBND tỉnh Hậu Giang đã ban hành Kế hoạch về thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022, trong đó xác định rõ các mốc giải ngân cụ thể.

Nhiệm vụ nặng nề hơn

Quốc hội đã thông qua tổng số vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước kế hoạch năm 2022 là 526.105,895 tỷ đồng. Bên cạnh đó, trong năm nay, sẽ còn một lượng vốn lớn từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội cần giải ngân. Theo tổng hợp đến ngày 2/3/2022, Bộ KH&ĐT đã nhận được đề xuất bổ sung vốn đầu tư thuộc Chương trình của 20 bộ, cơ quan trung ương, địa phương với tổng số vốn là 121.820 tỷ đồng cho 120 nhiệm vụ, dự án, trong đó dự kiến vốn bố trí năm 2022 là 12.828,748 tỷ đồng. 47 bộ, cơ quan trung ương, địa phương đề xuất bổ sung dự toán và kế hoạch đầu tư công năm 2022 cho các dự án đã được giao kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021 - 2025 với tổng số vốn 22.435,99 tỷ đồng... Tuy đây chưa phải con số cuối cùng, nhưng chắc chắn số lượng vốn cần giải ngân tăng thêm trong năm 2022 là không nhỏ. Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cho biết, sau khi hoàn thiện các quy trình thủ tục, đến tháng 4 và tháng 5 có thể bắt đầu triển khai gói đầu tư công trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Tại Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2022 vừa được ban hành, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục nhấn mạnh yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn 2021 - 2025, vốn đầu tư thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia, bảo đảm giải ngân hết số vốn được giao, không để nảy sinh tham nhũng, tiêu cực, lãng phí nguồn lực. Phát huy vai trò của Tổ công tác đặc biệt về rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư tại các bộ, ngành và địa phương; xác định việc đẩy mạnh giải ngân là một trong những nhiệm vụ chính trị trọng tâm.

Chuyên đề