Đổi mới thể chế để vươn lên trong CMCN 4.0

(BĐT) - Tranh thủ cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (CMCN 4.0) là con đường ngắn nhất đưa đất nước đi lên hiện đại và thịnh vượng. Coi trọng đổi mới thể chế sẽ là giải pháp quan trọng nhất để Việt Nam có thể đạt được mục tiêu này. 
Ảnh Internet
Ảnh Internet

Đây cũng là nội dung bao trùm và được nhấn mạnh tại Đề cương nghiên cứu Chiến lược Cách mạng công nghiệp 4.0 vừa được Bộ Kế hoạch và Đầu tư đưa ra lấy ý kiến. 

Cơ hội bứt lên

Khai thác sức mạnh của CMCN 4.0 để thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và các mục tiêu phát triển bền vững đưa Việt Nam phát triển, trong đó đổi mới thể chế, chính sách là giải pháp quan trọng để Việt Nam có thể hiện thực hóa cuộc cách mạng này.

Đề cập về vấn đề này, TS. Đặng Quang Vinh, Phó Trưởng Ban Môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh thuộc Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, hầu hết những công nghệ mới đều do doanh nghiệp, những nhà nghiên cứu tạo nên và muốn đẩy mạnh ứng dụng để phát triển kinh doanh. Trong trường hợp này, thể chế nếu không tạo thuận lợi, chắc chắn sẽ không khuyến khích họ tìm tòi, sáng tạo. Trường hợp doanh nghiệp đã có công nghệ, nhưng ứng dụng công nghệ cũng là một hoạt động đầu tư kinh doanh, phụ thuộc vào môi trường đầu tư kinh doanh và thể chế. Vì vậy, đổi mới thể chế nhằm phù hợp với yêu cầu phát triển có vai trò rất quan trọng trong việc đưa Việt Nam bắt kịp và vươn lên trong cuộc CMCN 4.0.

Đề cập về thực trạng thể chế Việt Nam, ông Vinh nhìn nhận, mặc dù các chỉ số về chất lượng thể chế đã có cải thiện nhưng vẫn thấp. Đặc biệt, chỉ số bảo vệ sở hữu trí tuệ còn kém, thể chế cho hệ sinh thái khởi nghiệp và thương mại điện tử chưa đầy đủ. Khu vực doanh nghiệp có trình độ công nghệ thấp. Doanh nghiệp nhà nước đầu tư dàn trải, không có tính nền tảng; đa phần doanh nghiệp tư nhân nhỏ, công nghệ thấp; khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có tỷ trọng lớn trong chế tạo nhưng không có nhu cầu đổi mới công nghệ hoặc chuyển giao công nghệ.

Nhìn tổng thể, Việt Nam là quốc gia có thị trường lớn, người dân nhanh nhạy với công nghệ, gần đây xuất hiện một số doanh nghiệp công nghệ mới. Tiềm năng ứng dụng CMCN 4.0 rất lớn. “Vì vậy, cuộc CMCN 4.0 đang mở ra cơ hội rất lớn để bắt kịp và vươn lên đối với các nước đang phát triển như Việt Nam”, ông Vinh nhấn mạnh.

Bên cạnh cơ hội, tại Đề cương, nhóm nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng chỉ ra, CMCN 4.0 đặt ra thách thức lớn với nền kinh tế. Đây là cuộc cách mạng có sự cạnh tranh quốc tế khốc liệt hơn, nếu không thay đổi để bắt kịp thì nguy cơ tụt hậu, lệ thuộc cả về công nghệ và sản phẩm tiêu dùng là rất lớn. 

Thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia về CMCN 4.0

Hiện thực hóa cơ hội của cuộc CMCN 4.0, tại Đề cương, cơ quan nghiên cứu nhấn mạnh yêu cầu chuyển đổi bộ máy nhà nước sang kinh tế số cả về tư duy quản lý và công cụ quản lý là điều kiện tiên quyết cho thực hiện CMCN 4.0 ở Việt Nam. Trên cơ sở đó, Đề cương đưa ra 3 trụ cột chính, đó là: chuyển đổi sang nhà nước số; ứng dụng CMCN 4.0 trong doanh nghiệp; nghiên cứu và phát triển công nghệ mới để Việt Nam đạt được mục tiêu.

Bên cạnh yêu cầu về đổi mới thể chế, chính sách để bắt kịp CMCN 4.0, Nhóm nghiên cứu cho rằng, cần có cách thức tổ chức tương xứng. Điều này đòi hỏi sự cải cách trong nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, cần phải có cơ chế điều hành, lãnh đạo cấp cao.

Về vấn đề này, Đề cương nghiên cứu đề xuất thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia (hoặc tương tự) do Thủ tướng đứng đầu thực hiện Chiến lược. Ban Chỉ đạo có Tổ thư ký giúp việc chuyên trách, có trình độ cao, gồm chuyên gia trong và ngoài Nhà nước, có hiểu biết sâu về kinh tế và công nghệ. Thành lập ba tiểu ban phụ trách ba trụ cột của Chiến lược. Cùng với đó, thành lập Ban cố vấn CMCN 4.0 giúp Thủ tướng chỉ đạo thực hiện Chiến lược… Trong đó, Ban Chỉ đạo quốc gia xây dựng các đề án và lựa chọn các dự án đầu tư, thực hiện các giải pháp với sự đóng góp của các bộ, ngành để đảm bảo tinh thần, quan điểm của Chiến lược được thực hiện thông suốt, nhất quán, đồng thời đảm bảo tính toàn diện của Chiến lược.    

Chuyên đề