Đổi đất lấy hạ tầng: Không để thất thoát kép

(BĐT) - Một số ý kiến cho rằng, với dự án BT, nếu chỉ định nhà đầu tư, thì có thể hiểu nhà đầu tư cùng lúc đã né được đấu thầu công trình BT và đấu giá khu đất đối ứng. Sự thiếu minh bạch ngay từ bước đầu sẽ tiềm ẩn nguy cơ thất thoát kép.
Việc chỉ định nhà đầu tư thực hiện dự án BT có thể dẫn đến nhà đầu tư nâng tổng mức đầu tư dự án BT và dìm giá dự án đối ứng. Ảnh: Tường Lâm
Việc chỉ định nhà đầu tư thực hiện dự án BT có thể dẫn đến nhà đầu tư nâng tổng mức đầu tư dự án BT và dìm giá dự án đối ứng. Ảnh: Tường Lâm

Qua thanh tra, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra đến thời điểm thanh tra, trong 15 dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BT thuộc lĩnh vực giao thông, môi trường trên địa bàn TP. Hà Nội chỉ có 1 dự án được lựa chọn nhà đầu tư thông qua hình thức đấu thầu (có sơ tuyển), 14 dự án còn lại, việc lựa chọn nhà đầu tư thông qua hình thức chỉ định thầu. Các dự án được kiểm tra khi trình xin chủ trương lựa chọn nhà đầu tư bằng hình thức chỉ định thầu đều có chung lý do cơ bản là do tính cấp bách, cấp thiết. Tuy nhiên, UBND thành phố Hà Nội không thực hiện đúng quy trình, quy định và không có tài liệu chứng minh, làm rõ thực trạng, mức độ chính xác của việc cấp bách, cấp thiết khi chỉ định nhà đầu tư thực hiện các dự án này.

Việc chỉ định nhà đầu tư có thể coi là khởi nguồn của nhiều hệ lụy liên quan đến các dự án BT của Hà Nội, vì không qua cạnh tranh, trong rất nhiều trường hợp, nhà đầu tư được lựa chọn không đủ năng lực thực hiện.

Ông Nguyễn Văn Đực, Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh cho rằng, nếu không thực hiện BT, thì quỹ đất nếu đã giải phóng mặt bằng thì sẽ được đấu giá, chưa giải phóng mặt bằng có thể đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư. Nhà nước thu tiền về, sau đó đấu thầu lựa chọn nhà thầu thực hiện dự án công. Với việc thực hiện dự án BT và nhà đầu tư được chỉ định, nguy cơ thất thoát tăng lên gấp đôi, khi nhà đầu tư có thể nâng tổng mức đầu tư dự án BT và dìm giá dự án đối ứng. Công trình bị tính đắt, quỹ đất bị tính rẻ, nhà đầu tư hưởng lợi kép.

Theo một số chuyên gia, đa số dự án BT do chính nhà đầu tư đề xuất, tính toán từ đầu, cơ quan nhà nước nhiều khi không đứng về phía người sử dụng mà đã được nhà đầu tư “lót tay” hoặc chi phối bởi lợi ích nhóm, thân hữu, nên dễ dàng gật đầu với dự án mà nhà đầu tư xây dựng. Với những dự án này, sau đó lại chỉ định thầu cho chính nhà đầu tư đề xuất, không qua quá trình đấu thầu công khai, minh bạch thì thất thoát xảy ra là điều dễ hiểu.

Quy định của Nghị định 15/2015/NĐ-CP và Nghị định 30/2015/NĐ-CP đã rõ ràng về minh bạch, công khai thông tin dự án BT và chỉ một số ít thuộc diện được chỉ định thầu, còn lại bắt buộc phải đấu thầu rộng rãi lựa chọn nhà đầu tư. Thế nhưng, theo thống kê sơ bộ của Báo Đấu thầu, trong 1, 2 năm trở lại đây, một số lượng lớn dự án BT qua sơ tuyển chỉ có một nhà đầu tư tham gia và trúng sơ tuyển, nên sau đó lại được chỉ định nhà đầu tư.

Khi chúng tôi đặt vấn đề, tại sao khi cho rằng thực hiện dự án BT là cơ hội có được những khu đất đẹp để phát triển dự án bất động sản, nhưng lại có ít doanh nghiệp - nhà đầu tư tham gia đấu thầu, chủ một doanh nghiệp (xin được giấu tên vì lo ngại ảnh hưởng đến cơ hội làm ăn sau này) cho biết: “Tôi nhìn thấy cơ hội mà không dám tham gia”. Chủ doanh nghiệp này chia sẻ, không dám bởi vì dân bất động sản mặc định hiểu đó là sân chơi của các đại gia bất động sản có thế lực mạnh, doanh nghiệp sân sau, thân hữu, hay có chung lợi ích với lãnh đạo địa phương… Doanh nghiệp muốn tham gia đấu thầu cũng phải nhìn trước ngó sau và chắc chắn không dám liều lĩnh bỏ chi phí lớn chuẩn bị hồ sơ dự thầu để tham gia vào một cuộc chơi không cân sức như vậy, thậm chí có thể chỉ vì tham gia đấu thầu, cạnh tranh cơ hội với các “ông lớn”, các doanh nghiệp thân hữu, mà sau này doanh nghiệp sẽ khó làm ăn tại địa phương đó. 

Ông Nguyễn Văn Đực khuyến nghị, với dự án BT, tốt nhất là không được chỉ định nhà đầu tư, và đã đấu thầu thì phải cạnh tranh thực sự.

Tuy nhiên, tất cả sẽ chỉ đạt được khi lợi ích nhóm, tham nhũng, chủ nghĩa thân hữu, cánh hẩu được kiểm soát tốt hơn, bởi nguồn lợi từ bất động sản là rất lớn mà theo một đại biểu Quốc hội, đồng tiền nhiều lúc có thể dẫn dắt chính sách.

Chuyên đề