Các bị cáo tại tòa phúc thẩm. |
Tại phần tranh luận, đối đáp trước tòa, hầu hết các bị cáo cựu cán bộ, lãnh đạo UBND TP Đà Nẵng đều bày tỏ mình thực hiện nhiệm vụ do cấp trên giao và không có động cơ cá nhân.
Cựu Chủ tịch Đà Nẵng Trần Văn Minh nêu nhiều căn cứ cho rằng bản thân không vi phạm pháp luật như bản án sơ thẩm quy kết. Khi ông lên làm Chủ tịch, rất nhiều nhà, đất công sản đã được những người tiền nhiệm sắp xếp.
Cụ thể, nhà số 158 Bạch Đằng, ông Minh cho rằng đã được người tiền nhiệm bút phê và có ý kiến chỉ đạo việc bán. Tài sản số 20 Bạch Đằng, ông Minh lập luận đó là khu đất, không phải nhà công sản như cáo buộc. Đồng thời, tài sản này do lãnh đạo tiền nhiệm đã ký quyết định cho thuê.
Kết lại, ông Minh đề nghị Tòa và Viện Kiếm sát đưa ra chứng cứ vật chất buộc tội ông; nếu không, đề nghị HĐXX cấp phúc thẩm tuyên bị cáo không có tội, trả hồ sơ để điều tra lại vụ án.
Bị cáo Văn Hữu Chiến, cựu Chủ tịch Đà Nẵng cũng kêu oan, cho rằng chủ trương bán nhà, đất công sản ở Đà Nẵng đã có từ các nhiệm kỳ trước. Khi lên làm lãnh đạo, ông Chiến chỉ thực hiện việc ký thay, ký theo quy định.
Đối với cáo buộc đồng phạm với ông Trần Văn Minh, ông Chiến trình bày không có tài liệu, chứng cứ nào chứng minh việc này. Bị cáo cho rằng việc ký một số văn bản khi đang là Phó Chủ tịch Đà Nẵng là làm theo mệnh lệnh của cấp trên.
Bị cáo Phan Văn Anh Vũ không đồng ý với việc bản án sơ thẩm cáo buộc mình “giữ vai trò quan trọng; hành vi của bị cáo là nguyên nhân gây mất đoàn kết của chính quyền TP Đà Nẵng…”. Từ đó, bị cáo Vũ cho rằng, bản án sơ thẩm là không có cơ sở. Ngoài ra, ông Vũ đề nghị cấp phúc thẩm chỉ rõ chứng cứ vật chất vụ án.
Đối đáp với một số cáo buộc của đại diện Viện Kiểm sát, bị cáo Vũ nói rằng vụ án này “có vấn đề”. Vũ “nhôm” trình bày nhiều về vụ án khiến Chủ tọa liên tục phải ngắt lời vì cho rằng những điều đó đã được nói đi nói lại từ phiên sơ thẩm đến phúc thẩm.
Luật sư Nguyễn Hữu Thế Trạch, bào chữa cho bị cáo Phan Văn Anh Vũ, sau khi chỉ ra những chứng cứ, các quy định của pháp luật đã đề nghị cấp phúc thẩm sửa bản án sơ thẩm, tuyên thân chủ của mình không phạm tội trong vụ án này.
Một số luật sư bào chữa cho bị cáo khác cũng đề nghị tòa phúc thẩm tuyên trả hồ sơ, điều tra lại.
Đối đáp lại ý kiến của các bị cáo, quan điểm của luật sư, đại diện Viện Kiểm sát nêu một số nội dung để chứng minh hành vi phạm tội của các bị cáo; xác định những tài sản vi phạm và vấn đề thu hồi, kê biên các tài sản.
Một trong những nội dung được quan tâm tại phiên phúc thẩm là vì sao việc xác định thiệt hại tại thời điểm khởi tố mà không phải thời điểm khác. VKS cho rằng, do những tài sản đó có khả năng sinh lời cao, nên áp dụng tính thiệt hại tại thời điểm khởi tố điều tra là phù hợp.
Chủ tọa Ngô Anh Dũng cũng nhiều lần phải ngắt lời các luật sư, yêu cầu không đối đáp vấn đề định giá nữa vì từ phiên sơ thẩm đến phúc thẩm đã chỉ rõ.
Khó thu hồi dự án sai phạm
Liên quan đến vấn đề dân sự trong vụ án, đáng chú ý nhất là Dự án 29ha Khu đô thị quốc tế Đa Phước đã được cấp sơ thẩm tuyên thu hồi.
Theo bản án sơ thẩm, cựu Chủ tịch Đà Nẵng Trần Văn Minh cùng các thuộc cấp đã tạo điều kiện để cho Công ty CP Xây dựng 79 của Phan Văn Anh Vũ được tham gia dự án và nhận quyền sử dụng phần diện tích 29ha đất tại Khu đô thị Quốc tế Đa Phước không qua đấu giá quyền sử dụng đất. Hành vi của các bị cáo đã gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước hơn 11,2 nghìn tỷ đồng.
Bị cáo Phan Văn Anh Vũ trình bày tại tòa phúc thẩm.
Đối với dự án này, Tòa cấp sơ thẩm tuyên: “Giao UBND TP Đà Nẵng thu hồi và cùng các bên liên quan thực hiện các thủ tục pháp lý theo quy định của pháp luật đảm bảo quyền lợi cho công dân…”.
Trình bày tại tòa phúc thẩm, ông Võ Ngọc Châu khẳng định mình là người hoàn toàn ngay tình bởi khi mua dự án ông hoàn toàn không hết biết dự án có đấu giá hay không.
“Tôi làm sao biết được có kết quả như hôm nay.” - ông Châu nói.
Cho rằng quyết định của tòa sơ thẩm không công bằng, ông Châu dẫn giải 2 dự án khác là Dự án An Cư mở rộng và Phú Gia Compound, cho rằng 2 dự án này có bản chất giống với Dự án 29 ha Đa Phước nhưng tòa sơ thẩm lại chỉ tuyên thu hồi Dự án 29 ha.
Ngoài ra, ông Châu cho biết, việc thu hồi dự án khiến công ty của ông phá sản; 10 đối tác trong nước, 2 công ty nước ngoài và 2 ngân hàng khởi kiện; người dân (hơn 200 hộ) mất lòng tin, tổ chức khiếu kiện đông người, gây mất an ninh trật tự…
Liên quan đến dự án này, đại diện UBND TP Đà Nẵng có mặt tại tòa cho biết, việc thu hồi dự án vi phạm bán đấu giá sẽ gặp nhiều khó khăn. Theo vị đại diện này, một số dự án đã có người dân vào sinh sống, nếu thu hồi thì sẽ bồi thường thế nào để đảm bảo an ninh xã hội.
Từ đó, đại diện UBND TP Đà Nẵng xin tòa phúc thẩm hướng dẫn để thành phố tổ chức thực hiện, đảm bảo đúng pháp luật và không để kéo dài.