Đổi chiến lược để tăng đà xuất khẩu vào EU

(BĐT) - Thương mại Việt Nam - EU hiện có mức tăng trưởng dưới 10%. Để tăng đà xuất khẩu vào thị trường lớn thứ 2 của Việt Nam cũng như tận dụng cơ hội từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) thì việc cải thiện môi trường kinh doanh, thay đổi chiến lược xuất khẩu là điều cần làm trong lúc này.
Doanh nghiệp cần dự kiến các tác động của EVFTA về lao động, môi trường, sở hữu trí tuệ… để có đối sách phù hợp khi xuất khẩu vào EU. Ảnh: Tiên Giang
Doanh nghiệp cần dự kiến các tác động của EVFTA về lao động, môi trường, sở hữu trí tuệ… để có đối sách phù hợp khi xuất khẩu vào EU. Ảnh: Tiên Giang

Cần chiến lược phù hợp với EVFTA

Thống kê từ Vụ Thị trường châu Âu (Bộ Công Thương) cho thấy, từ đầu năm đến đầu tháng 7/2016, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu giữa Việt Nam và EU đã đạt 21,2 tỷ USD, tăng 9,05% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu từ Việt Nam là 16,2 tỷ USD, tăng 8,68% và nhập khẩu vào Việt Nam đạt trên 4,97 tỷUSD, tăng 10,28%. Cũng theo số liệu từ Bộ Công Thương, xuất khẩu vào thị trường EU nửa đầu năm nay chỉ tăng 9,8%, trong khi cùng kỳ năm trước đã tăng đến 11,6%.

Trong khuyến nghị mới đây, để tăng hiệu quả hợp tác thương mại Việt Nam - EU, ông Claudio Dordi, Tư vấn trưởng Dự án EU - MUTRAP (Dự án Hỗ trợ chính sách thương mại và đầu tư của châu Âu) đã lưu ý các doanh nghiệp (DN) Việt Nam cần phải xem lại chiến lược phát triển phù hợp với EVFTA. Điều này đòi hỏi các DN phải nghiên cứu thị trường hàng cao cấp EU, cải tiến kênh phân phối, nâng cao tỷ lệ nội địa và giảm tỷ lệ sản xuất thủ công…

Ông Claudio Dordi nhận định Việt Nam là một quốc gia “chuyển đổi” (điển hình như thiết bị điện tử, điện thoại, hàng dệt may và giày dép). Nghĩa là nhiều nguyên vật liệu và các thành phần của sản phẩm xuất khẩu này được nhập khẩu. Chẳng hạn với lĩnh vực dệt may, các DN Việt nên tập trung vào các quy tắc xuất xứ để tăng thêm giá trị gia tăng (kiểm soát chất lượng đối với hàng nhập khẩu).

Theo ông Dordi, Chính phủ Việt Nam cũng cần thông tin rõ ràng cho các DN về thời hạn, chi tiết của EVFTA. Và hơn hết, nếu để xảy ra tình trạng tham nhũng, thiếu chuyên nghiệp, làm chậm quá trình hồ sơ, không những tác động tới các nhà xuất nhập khẩu, mà còn khiến Việt Nam khó trở thành một đối tác đáng tin cậy.

Cần nhắc thêm, trong khảo sát chỉ số môi trường kinh doanh (BCI) quý II/2016 do Hiệp hội Doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) công bố gần đây, bên cạnh việc các DN EU phản hồi tích cực về môi trường kinh doanh Việt Nam thì phía EuroCham cho biết họ tiếp nhận một số câu hỏi do DN trong đề xuất đưa vào nội dung khảo sát trong quý tiếp theo. Điển hình là các vấn đề về thủ tục hành chính đã được cải thiện hay tệ hơn, cải cách hiện nay tạo ra môi trường thuận lợi hơn hay ít thuận lợi cho đầu tư nước ngoài. Ngoài ra, hai vấn đề đau đầu hiện giờ được quan tâm là tham nhũng và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ...                     

Cắt giảm thuế quan là chưa đủ

Các DN Việt cũng cần cải thiện chất lượng và an toàn của sản phẩm quốc gia. Đặc biệt là tập trung vào việc tuân thủ quy tắc vệ sinh và kỹ thuật quốc tế. 
Thực tế, một trong những thách thức lớn của Việt Nam để giữ đà tăng trưởng xuất khẩu khi EVFTA có hiệu lực chính là sản phẩm xuất khẩu có giá trị gia tăng thấp. Điều này dẫn đến khó khăn trong việc tuân thủ các quy tắc xuất xứ từ EVFTA. Đơn cử, các sản phẩm phi thực phẩm nguy hiểm sẽ khó được EVFTA giải quyết. Thống kê cho thấy, từ năm 2011 đến nay, đã có 19 sản phẩm xuất khẩu từ Việt Nam bị cảnh báo trên hệ thống cảnh báo nhanh đối các sản phẩm phi thực phẩm nguy hiểm (RAPEX).

Vị chuyên gia của Dự án EU - MUTRAP lưu ý việc cắt giảm thuế quan là chưa đủ, mà Việt Nam cần nắm bắt các giá trị gia tăng cao hơn. Điển hình như kênh phân phối tại EU yêu cầu sản xuất phải thân thiện với môi trường và phù hợp với người tiêu dùng EU. Các DN Việt cũng cần cải thiện chất lượng và an toàn của sản phẩm quốc gia. Đặc biệt là tập trung vào việc tuân thủ quy tắc vệ sinh và kỹ thuật quốc tế. Hơn nữa, các DN cũng nên để mắt đến tầm quan trọng của thị trường ngách tại EU và cần dự kiến những tác động của EVFTA về lao động, môi trường, sở hữu trí tuệ…

Ngoài ra, một nỗi lo khác chính là những tác động từ việc nước Anh rời EU. PGS.TS. Lưu Ngọc Trịnh (Viện Kinh tế và Chính trị thế giới) cho rằng, dù những tác động trực tiếp từ việc Anh rời EU là không lớn, nhưng sẽ có những tác động đến quan hệ giữa Việt Nam với EU (EU hiện chiếm tới 19,1% kim ngạch xuất khẩu và 6,3% kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam). Ảnh hưởng lớn nhất chính là triển vọng của EVFTA. Trong trung và dài hạn, khi kinh tế EU bị ảnh hưởng tiêu cực thì xuất khẩu của Việt Nam khó mà tích cực. Chưa kể, việc đồng bảng Anh giảm giá sẽ khiến các sản phẩm của Việt Nam đắt đỏ hơn ở thị trường EU.                                                                         

Chuyên đề