Dốc sức chuẩn bị vận hành hệ thống mạng đấu thầu mới

0:00 / 0:00
0:00
(BĐT) - Tình hình triển khai đấu thầu qua mạng (ĐTQM) 9 tháng năm 2020 có nhiều tín hiệu lạc quan. Để tạo nền tảng cho hoạt động này phát triển hơn nữa, từ nay đến hết năm 2021, bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện hạ tầng Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia hiện tại, Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư phấn đấu đưa vào vận hành Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia mới, được đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP).
Ảnh chỉ mang tính minh họa: Lê Tiên
Ảnh chỉ mang tính minh họa: Lê Tiên

Vượt xa mọi chỉ tiêu

Tại Hội nghị Đấu thầu qua mạng do Cục Quản lý đấu thầu tổ chức tại TP.HCM ngày cuối tuần qua, Trung tâm ĐTQM quốc gia cho biết, tình hình triển khai ĐTQM 9 tháng năm 2020 có nhiều tín hiệu lạc quan nổi bật, đáng ghi nhận. Cụ thể, có 36.628 bên mời thầu, 111.799 nhà thầu đăng ký tham gia Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia, trong đó có 27.710 nhà thầu đăng ký tham gia đấu thầu điện tử. Về thông tin đấu thầu đăng tải trên Hệ thống, có 368.283 kế hoạch lựa chọn nhà thầu, 90.741 thông báo mời thầu được đăng tải.

Đến thời điểm hiện tại, số lượng gói thầu ĐTQM đạt 67.672 (chiếm tỷ lệ 84,9% số gói thầu thuộc diện ĐTQM). Tổng giá trị gói thầu ĐTQM đạt 198.585 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 51,8%). Các số liệu trên vượt xa chỉ tiêu theo quy định tại Nghị quyết số 01/NQ-CP năm 2020 của Chính phủ và lộ trình tại Thông tư số 11/2019/TT-BKHĐT.

Về tình hình triển khai ĐTQM của các cơ quan, thống kê cho thấy, Bộ Thông tin và Truyền thông xếp thứ nhất với 372 gói thầu ĐTQM, chiếm tỷ lệ 96,6% với tổng giá trị 651,5 tỷ đồng. Văn phòng Quốc hội xếp thứ hai với 96 gói thầu, đạt tỷ lệ 96,15%, tổng giá trị 121,3 tỷ đồng. Xếp thứ ba là Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam với 349 gói thầu, đạt tỷ lệ 96,1%, tổng giá trị 511,8 tỷ đồng…

Về phía các địa phương, Thanh Hóa đứng đầu với 935 gói thầu được ĐTQM, chiếm tỷ lệ 95,8% và tổng giá trị là 3.949,5 tỷ đồng. Bình Phước tiếp tục giữ vững phong độ khi đứng thứ hai với 541 gói thầu, chiếm tỷ lệ 93,6%, tổng giá trị 3.658,1 tỷ đồng. Đồng Nai có sự bứt phá ngoạn mục, vươn lên vị trí thứ ba với 238 gói thầu, chiếm tỷ lệ 92,6%, tổng giá trị 2.544,8 tỷ đồng.

Trong các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, đứng đầu là Tổng công ty Thép Việt Nam với 25 gói thầu được ĐTQM, đạt tỷ lệ 96,2%. Tập đoàn Điện lực là minh chứng sinh động nhất cho sự lan tỏa của ĐTQM với 11.944 gói thầu, chiếm tỷ lệ 95,8%, tổng giá trị 36.161,9 tỷ đồng. Tập đoàn Bưu chính Viễn thông, Tập đoàn Xăng dầu, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội… giữ vững vai trò tiên phong trong ĐTQM khi liên tục nằm trong top 10.

Thống kê cũng cho thấy nhiều con số ấn tượng như: gói thầu mua sắm hàng hóa có số nhà thầu tham dự nhiều nhất là 26 nhà thầu, trong đấu thầu xây lắp là 22 nhà thầu, trong đấu thầu tư vấn là 14 nhà thầu và trong đấu thầu dịch vụ phi tư vấn là 17 nhà thầu. Các gói thầu ĐTQM càng thu hút nhiều nhà thầu tham dự càng có tỷ lệ tiết kiệm cao. Tỷ lệ giảm giá cao nhất trong lĩnh vực xây lắp là 50%; lĩnh vực hàng hóa là 76%. Đặc biệt, có gói thầu dịch vụ phi tư vấn giá 238 triệu đồng, giá trúng thầu là 18 triệu đồng, giảm giá 92%.

Xây dựng nền tảng cho đấu thầu qua mạng

Chia sẻ tại Hội nghị, ông Phạm Thy Hùng, Giám đốc Trung tâm ĐTQM quốc gia cho biết, năm 2020 là năm bản lề vô cùng quan trọng để xây dựng những nền tảng cho năm 2021 - thời điểm vận hành Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia mới.

Cụ thể, trong năm 2020, Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia đã có những bước cải tiến lớn như triển khai tiện ích cho bên mời thầu, nhà thầu có thể nộp hồ sơ đăng ký trực tiếp trên Hệ thống. Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia cho phép nhà thầu kê khai dữ liệu về năng lực, kinh nghiệm khi tham gia ĐTQM. Đồng thời, mở rộng phạm vi áp dụng đối với gói thầu dịch vụ phi tư vấn một giai đoạn hai túi hồ sơ…

“Cục Quản lý đấu thầu đang nỗ lực để cùng lúc xây dựng song song hai nền tảng cơ bản nhất cho ĐTQM là hoàn thiện hệ thống văn bản pháp luật cho ĐTQM và hoàn thiện hạ tầng Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia hiện tại. Từ những thành quả nói trên, sự tích cực tham gia của các bộ, ban, ngành, địa phương, các chủ đầu tư/bên mời thầu và đặc biệt là các nhà thầu, hoàn toàn có cơ sở để quý III/2021 vận hành Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia mới. Nỗ lực của chúng tôi là khi vận hành Hệ thống mới, những bất cập, tồn tại phát sinh trong ĐTQM sẽ hoàn toàn được xử lý”, ông Hùng khẳng định.

Chuyên đề