VNPT đẩy mạnh cung cấp thanh toán dịch vụ công không dùng tiền mặt

(BĐT) - Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) hiện đang gấp rút đẩy nhanh tiến độ để có thể cung cấp thêm nhiều dịch vụ tài chính số, trong đó có việc thanh toán dịch vụ công không dùng tiền mặt, nhằm góp phần thực hiện “Đề án đẩy mạnh thanh toán qua ngân hàng đối với các dịch vụ công: thuế, điện, nước, học phí, viện phí và chi trả các chương trình an sinh xã hội” đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
VNPT đưa ra giải pháp cho thanh toán dịch vụ công không dùng tiền mặt là triển khai giải pháp định danh vạn năng Mobile Connect
VNPT đưa ra giải pháp cho thanh toán dịch vụ công không dùng tiền mặt là triển khai giải pháp định danh vạn năng Mobile Connect

Theo Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Truyền thông VNPT - Media Nguyễn Sơn Hải, đơn vị được Tập đoàn VNPT giao nhiệm vụ triển khai cung cấp dịch vụ tài chính số, một trong những giải pháp cho thanh toán dịch vụ công không dùng tiền mặt mà VNPT đưa ra triển khai là giải pháp định danh vạn năng Mobile Connect. Đây là giải pháp đăng nhập an toàn. Đơn giản bằng cách kết hợp người dùng với điện thoại di động của họ, Mobile Connect có tính bảo mật cao, cho phép người dùng đăng nhập nhanh chóng vào các trang web và ứng dụng mà không cần phải nhớ mật khẩu và tên người dùng. Người dùng chỉ cần ấn vào nút "Ok" hoặc nhập mã pin là có thể đảm bảo được bảo mật mức 3, 4. Giao thức này cũng có thể khắc phục được các lỗ hổng bảo mật của các giao thức khác, đảm bảo việc bảo mật thông tin cá nhân, chia sẻ thông tin cá nhân khi có sự đồng ý tường minh của người dùng trên điện thoại di động và đồng thời nó cũng có khả năng bao phủ rộng, không chỉ ở Việt Nam mà tới cả 3 tỷ thuê bao của hơn 800 nhà mạng trên thế giới.

VNPT sẽ triển khai giải pháp Mobile connect sau đó cung cấp các API cho các đơn vị cung cấp dịch vụ công/đơn vị xây dựng các cổng website/ứng dụng cung cấp dịch vụ công để sử dụng Mobile Connect là một trong các phương thức log-in của người dùng. VNPT cũng sẽ sử dụng eKYC (Định danh điện tử) vào thanh toán dịch vụ công không dùng tiền mặt nhằm xác minh danh tính của khách hàng, đối tượng phục vụ, đánh giá sự phù hợp, cùng với những rủi ro tiềm ẩn. EKYC là phương thức xác định duy nhất một cá nhân hoặc một tổ chức dựa trên các dữ liệu điện tử. Đối với khu vực công, eKYC có thể được ứng dụng để cải thiện các thủ tục hành chính, giảm thiểu thời gian chờ đợi, tăng chất lượng phục vụ trong các hoạt động, dịch vụ công của chính quyền, trong các hoạt động y tế, bảo hiểm và trong giáo dục. Bắt kịp các xu hướng AI, Blockchain, eKYC sử dụng AI để bóc tách thông tin trên giấy tờ cá nhân, xác minh ảnh chân dung và ảnh giấy tờ cá nhân, chống fake ảnh chân dung gửi lên hệ thống, lưu trữ và xác minh tư liệu, cung cấp SDK iOS và Android để tích hợp trên Mobile App…

Một giải pháp khác VNPT đang hướng tới là triển khai cổng thanh toán dịch vụ công (Payment Connect). Với Payment Connect, VNPT sẽ cung cấp nền tảng thanh toán trung gian, kết nối giữa cổng dịch vụ công quốc gia với các kênh thanh toán (ngân hàng, cổng trung gian thanh toán…). Việc triển khai cổng thanh toán dịch vụ công sẽ góp phần sẽ góp phần thúc đẩy tài chính toàn diện tại Việt Nam.

Với Payment Connect, VNPT sẽ cung cấp nền tảng thanh toán trung gian, kết nối giữa cổng dịch vụ công quốc gia với các kênh thanh toán

Hiện nay, VNPT đang cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử VNPT Pay, hệ thống thanh toán với nhiều tính năng, dịch vụ tiện ích độc đáo, giúp thỏa mãn mọi nhu cầu thanh toán trong cuộc sống hàng ngày của khách hàng. VNPT Pay đã được tích hợp vào tất cả các điểm chạm của khách hàng sử dụng dịch vụ của VNPT (di động VinaPhone, Internet cáp quang, cố định, dịch vụ truyền hình), sẵn sàng phục vụ cho gần 30 triệu người dùng của VNPT để thanh toán các hóa đơn, điện nước, vé xem phim, vé máy bay, mua bảo hiểm, nạp tiền điện thoại… một cách nhanh chóng.

Cũng theo ông Hải, VNPT sẽ đẩy mạnh cung cấp thanh toán dịch vụ công qua VNPT Pay. Hiện nay, VNPT đã ký kết Thỏa thuận hợp tác chiến lược với 53 UBND tỉnh/thành phố; triển khai các giải pháp chính quyền điện tử cho 61/63 tỉnh thành phố. Theo đó, VNPT Pay sẽ được tích hợp trong hệ thống thanh toán điện tử của các cơ sở giáo dục, y tế, hành chính công của các tỉnh thành, qua đó giúp đẩy mạnh thanh toán điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến. Đối với dịch vụ hành chính công mức độ 4, VNPT Pay đang thực hiện triển khai tại Ninh Bình và Quảng Bình, đã nghiệm thu và sẵn sàng cung cấp dịch vụ thanh toán trực tuyến. Tại Hà Giang, VNPT cũng đang thực hiện kết nối kỹ thuật và dự kiến sớm cung cấp dịch vụ trong thời gian tới. Đối với các công ty điện, nước, y tế, giáo dục…, VNPT đã và đang cung cấp thanh toán trực tuyến trên kênh của VNPT Pay cũng như kênh của nhà cung cấp dịch vụ.

Cùng với đẩy mạnh triển khai VNPT Pay, VNPT cũng đã xây dựng Đề án Mobile Money gửi Bộ TT&TT và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam với mong muốn sớm được phê duyệt đồng thời đã hoàn thiện toàn bộ giải pháp công nghệ và kỹ thuật với hệ sinh thái dịch vụ VNPT (gồm VnEdu, VNPT HIS, hành chính công Igate…) sẵn sàng cung cấp Mobile Money (chuyển tiền và nhận thanh toán thông qua điện thoại di động) ngay khi được cấp phép. Với Mobile Money, có thể triển khai được rất nhiều việc từ giải ngân các khoản vay, tài trợ cho người dân cho đến tất cả các thanh toán các dịch vụ thiết yếu, vận chuyển, dịch vụ công… Đặc thù các khoản thanh toán dịch vụ công là các khoản thanh toán có giá trị vừa và nhỏ, thêm vào đó tại Việt Nam, tỷ lệ người dùng thẻ tín dụng còn thấp. Cũng có đến 60% dân số Việt Nam sống ở khu vực nông thôn, nhưng các đơn vị chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt chỉ tập trung ở các đô thị lớn như: TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng… Trong khi đó, mật độ thuê bao di động tại Việt Nam đã trên ngưỡng 100%, là điều kiện thuận lợi để triển khai Mobile Money. Dự kiến, nếu Đề án được phê duyệt, tới năm 2020, VNPT sẽ phủ dịch vụ Mobile Money tới 100.000 điểm bán của VNPT, tiến tới thương mại điện tử và merchant chấp nhận thanh toán.

Với hàng loạt những nỗ lực trên, VNPT hy vọng các giải pháp thanh toán dịch vụ công không dùng tiền mặt này sẽ góp phần hữu hiệu trong việc thúc đẩy triển khai Chính phủ điện tử và phát triển nền kinh tế số tại Việt Nam.

Chuyên đề