Viglacera Đông Triều: Kinh doanh thụt lùi, nợ vay phình to

(BĐT) - Công ty CP Viglacera Đông Triều vừa công bố báo cáo tài chính quý II/2019. Theo đó, doanh thu thuần từ bán hàng và lợi nhuận của Viglacera Đông Triều tiếp tục giảm so với cùng kỳ năm 2018. Công ty mới chỉ hoàn thành gần 19% kế hoạch lợi nhuận năm 2019, nợ vay cũng “phình to” gây mất cân đối tài chính.
Sản xuất kinh doanh của Viglacera Đông Triều gặp khó khăn do áp lực cạnh tranh, sản phẩm tiêu thụ chậm. Ảnh: Tường Lâm
Sản xuất kinh doanh của Viglacera Đông Triều gặp khó khăn do áp lực cạnh tranh, sản phẩm tiêu thụ chậm. Ảnh: Tường Lâm

Hoàn thành 18% kế hoạch lợi nhuận

Theo báo cáo tài chính quý II/2019, doanh thu bán hàng của Viglacera Đông Triều đạt 72,5 tỷ đồng, giảm 13,6% so với quý II/2018. Dù doanh thu giảm nhưng biên lợi nhuận gộp gia tăng khiến lợi nhuận gộp quý II của Công ty tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước, đạt 9,9 tỷ đồng.

Sau khi trừ đi các khoản chi phí tài chính, chi phí quản lý doanh nghiệp và bán hàng, Công ty báo lãi trước thuế 3,1 tỷ đồng, giảm 16% so với cùng kỳ năm 2018. Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu và lợi nhuận trước thuế của Viglacera Đông Triều lần lượt đạt 137,8 tỷ đồng và 3,75 tỷ đồng, giảm tương ứng 15% và 60% so với cùng kỳ năm 2018.

Thực tế, tình hình kinh doanh của Công ty đã gặp khó khăn từ đầu năm 2018 do áp lực cạnh tranh và hạn chế của Công ty trong việc mở rộng thị trường. Sản phẩm gạch xây và ngói trang trí của Viglacera Đông Triều có chất lượng trung bình, chủ yếu được tiêu thụ ở khu vực nông thôn, nên khả năng mở rộng thị trường của các sản phẩm này khá hạn chế.

Bên cạnh đó, các đối thủ cạnh tranh đã thiết lập được vị trí và chiếm lĩnh thị phần riêng. Cụ thể, tại thị trường Hải Phòng và Quảng Ninh, với nhóm gạch xây quy tiêu chuẩn, Công ty phải cạnh tranh trực tiếp với Công ty CP Hạ Long 1, Công ty CP Viglacera Hạ Long, Công ty CP Xây dựng Giếng Đáy, Nhà máy Gạch Hưng Long, Công ty CP Gốm liên doanh Hoàng Quế. Đối với gạch ngói, đối thủ cạnh tranh trực tiếp của Viglacera Đông Triều là Viglacera Hạ Long, Xây dựng Giếng Đáy.

Khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm của Công ty cũng có thể được nhìn nhận qua hàng tồn kho. Chiếm 91% tài sản ngắn hạn của Viglacera Đông Triều là hàng tồn kho với giá trị 106,7 tỷ đồng, tăng 21% so với thời điểm đầu năm. Đáng chú ý, tồn kho thành phẩm tăng từ 26,2 tỷ đồng thời điểm đầu năm lên 40,6 tỷ đồng thời điểm 30/6/2019 (tăng 55%).

So với kế hoạch lợi nhuận trước thuế cả năm 2019 là 20 tỷ đồng, Viglacera Đông Triều mới chỉ hoàn thành gần 19% kế hoạch sau 6 tháng đầu năm. 

Rủi ro thanh toán nợ

Sau khi lỗ nặng vào các năm 2012 và 2013, Viglacera Đông Triều đã có 5 năm liên tiếp kinh doanh có lãi. Bên cạnh đó, Công ty cũng phát hành riêng lẻ 6 triệu cổ phiếu tăng vốn lên 100 tỷ đồng để thanh toán cho các nhà thầu Dự án Đầu tư dây chuyền 3, bổ sung nguồn vốn lưu động và sử dụng nguồn thặng dư vốn để bù đắp phần kinh doanh thua lỗ từ giai đoạn trước đó.

Tuy nhiên, Viglacera Đông Triều vẫn tiếp tục rơi vào tình trạng mất cân đối tài chính khi tổng nợ phải trả ngắn hạn tại thời điểm 30/6/2019 là 153,4 tỷ đồng, vượt quá tài sản ngắn hạn (116,51 tỷ đồng) gần 36,89 tỷ đồng. Trong đó, chỉ riêng nợ vay ngắn hạn đã lên đến 93,2 tỷ đồng, tăng 15,7% so với thời điểm đầu năm.

Điều đó cho thấy Viglacera Đông Triều đang gặp khó khăn trong việc thanh toán các khoản nợ đến hạn, đặc biệt là các khoản nợ có kỳ hạn dưới 1 năm. Số dư tiền và các khoản tương đương tiền tại thời điểm 30/6/2019 chỉ khoảng 3,4 tỷ đồng.

Ngoài ra, nợ vay dài hạn của Viglacera Đông Triều tại thời điểm cuối quý II/2019 cũng tăng thêm 51%, lên tới 98,7 tỷ đồng. Tổng cả nợ vay dài hạn và ngắn hạn của Công ty là 192 tỷ đồng, chiếm 58% tổng tài sản.

Khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm khiến tình hình kinh doanh của Công ty đi xuống. Trong khi đó, áp lực nợ vay ngày càng gia tăng có thể khiến Viglacera Đông Triều phải đối mặt với rất nhiều thách thức trong thời gian tới.

Chuyên đề