Việt Nam có thể là công xưởng sản xuất khẩu trang

(BĐT) - Bộ Công Thương nhận định, Việt Nam có đủ năng lực để trở thành một quốc gia sản xuất khẩu trang vải lớn trên thế giới. Tuy nhiên, để coi đây là một ngành sản xuất lâu dài thì cần tính đến một số yếu tố.
Sản xuất khẩu trang vải đang đứng trước cơ hội lớn (ảnh: Internet)
Sản xuất khẩu trang vải đang đứng trước cơ hội lớn (ảnh: Internet)

Nhạy bén trong kinh doanh

Hiện Việt Nam là một những nước thuộc top đầu về xuất khẩu sản phẩm dệt may trên thế giới. Năng lực của ngành tạo ra kim ngạch xuất khẩu 39 tỷ USD. Các sản phẩm dệt may của Việt Nam khá đa dạng, đáp ứng được hầu hết các phân khúc sản phẩm mà thị trường thế giới yêu cầu.

Khi dịch bệnh Covid-19 xảy ra, ngành dệt may đã phải đối mặt với "cú sốc kép” từ việc đứt nguồn cung nguyên liệu cho đến việc khách mua liên tục giãn, hoãn đơn hàng. Cụ thể, trong tháng 2/2020, khi dịch bệnh bùng phát ở Trung Quốc, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam bị đứt nguồn cung nguyên liệu, chủ yếu là vải, từ Trung Quốc. Sang đến tháng 3, khi nguồn cung được nối lại thì cũng là lúc dịch bùng phát ở châu Âu, Mỹ khiến thị trường mua sắm gần như bị đóng băng, các khách hàng liên tiếp đề nghị giãn, hoãn hoặc hủy đơn hàng.

Trong bối cảnh đó, sản xuất khẩu trang trở thành một giải pháp để các doanh nghiệp (DN) dệt may có thể duy trì sản xuất, giữ chân công nhân và có thu nhập để giảm bớt thiệt hại do bị tạm dừng các đơn hàng.

Về sản phẩm khẩu trang, các DN dệt may đánh giá, nhìn chung, đây là một sản phẩm không đòi hỏi đầu tư nhiều, về cơ bản nhà xưởng, thiết bị và công nhân ở các doanh nghiệp dệt may đều có thể làm được khẩu trang. Vì thế, khả năng sản xuất khẩu trang của DN Việt Nam là rất lớn.

Số liệu của Cục Công nghiệp thuộc Bộ Công Thương ghi nhận, chỉ tính riêng 50 DN đã có báo cáo với Bộ Công Thương, năng lực sản xuất khẩu trang đã lên đến 8 triệu chiếc/ngày, tức là khoảng 200 triệu chiếc mỗi tháng. Nếu tính trên quy mô cả nước thì sản lượng sẽ lớn hơn rất nhiều.

Nguyên liệu sản xuất khẩu trang về cơ bản không quá khắt khe. Trước đây, DN phải nhập khẩu vải kháng khuẩn hoặc hóa chất để sản xuất ra vải kháng khuẩn. Đến nay, một số DN, điển hình như Công ty Dệt lụa Nam Định đã có thể tự sản xuất vải kháng khuẩn hoàn toàn từ nguyên liệu sinh học trong nước. Do vậy, nếu có thị trường, có khách hàng thì năng lực sản xuất khẩu trang còn có thể nâng cao hơn nữa.

Bên cạnh các sản phẩm khẩu trang vải cơ bản có 2 lớp (trong đó có 1 lớp là vải kháng khuẩn), hiện nhiều DN đã nâng cấp sản xuất các loại khẩu trang vải 3 lớp, 4 lớp. Ngoài lớp kháng khuẩn có thể có thêm lớp vải kháng nước, chống giọt bắn…

Làm gì để Việt Nam thành công xưởng sản xuất khẩu trang?

Với năng lực của ngành dệt may trong nước, Bộ Công Thương khẳng định, Việt Nam có đủ năng lực để trở thành một quốc gia sản xuất khẩu trang vải lớn trên thế giới. Để biến tiềm năng thành hiện thực, Cục Xuất nhập khẩu thuộc Bộ Công Thương cho rằng cần tính đến một số yếu tố.

Trước hết, trên thị trường thế giới, khẩu trang đồng nghĩa với khẩu trang y tế, việc sử dụng khẩu trang vải chưa phải phổ biến. Vì vậy, cần có sự thông tin, quảng bá thêm để người dùng nhận biết được lợi ích của khẩu trang vải và chuyển sang sử dụng loại khẩu trang này. Thứ hai, công tác xúc tiến thương mại, tìm khách hàng cần được đẩy mạnh trong bối cảnh nhiều khách hàng nước ngoài chưa biết về khả năng sản xuất khẩu trang vải của Việt Nam. Thứ ba, khi dịch bệnh bùng phát, khẩu trang trở thành một mặt hàng thiết yếu, song khi dịch bệnh qua đi, nhu cầu về khẩu trang cũng sẽ giảm xuống. Do vậy, đây là một mặt hàng có tính thời vụ, tính ổn định không cao.

“Chính vì vậy, các DN dệt may có thể tranh thủ khai thác thị trường tại thời điểm này. Tuy nhiên, để coi đây là một sản phẩm lâu dài, đầu tư quy mô lớn thì cần thận trọng”, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu lưu ý.

Bên cạnh đó, các DN xuất khẩu khẩu trang vải cũng cần chú ý, thị trường các nước phát triển thường yêu cầu cao về chất lượng, tính an toàn với người sử dụng. Do vậy, các DN cần tìm hiểu về các tiêu chuẩn này để đáp ứng, xin các giấy chứng nhận phù hợp để tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu.

Nhằm hỗ trợ DN xuất khẩu khẩu trang vải, ngay khi dịch Covid-19 xuất hiện tại Việt Nam, Bộ Công Thương đã cử đoàn công tác đi làm việc tại các DN dệt may, nắm tình hình và năng lực sản xuất khẩu trang vải; kết nối các DN sản xuất khẩu trang vải với các DN phân phối, hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị lớn để đẩy mạnh tiêu thụ khẩu trang vải ở trong nước. Bộ đã chỉ đạo các thương vụ Việt Nam tại nước ngoài khẩn trương liên hệ, tìm kiếm các đầu mối, DN ở nước ngoài để giúp tiêu thụ sản phẩm khẩu trang vải…

Chuyên đề