Vì sao Vĩnh Hoàn mở room tối đa?

VHC đang dọn đường cho những cái bắt tay hợp tác trong tương lai khi cạnh tranh đã trở nên gay gắt.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Vĩnh Hoàn (VHC) đã chính thức được phép nới room cho nhà đầu tư nước ngoài từ 49% lên mức tối đa 100% kể từ ngày 21/2. Như vậy, từ bây giờ, khối ngoại sẽ đầu tư vào VHC với tâm thế thoải mái, không lo bị giới hạn về sở hữu như trước. Thậm chí, nếu nhà đầu tư nước ngoài tìm cách nắm giữ trên 51% vốn điều lệ ở VHC thì họ sẽ toàn quyền chi phối và biến doanh nghiệp này thành công ty nước ngoài.

Trước mắt, điều này chưa thể xảy ra bởi nhìn trên cơ cấu cổ đông, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Trương Thị Lệ Khanh vẫn nắm 49,32% vốn điều lệ VHC, một tỷ lệ đủ đảm bảo an toàn trước sự “tấn công” của nhà đầu tư ngoại. Đó là chưa kể việc tháng 1 vừa qua, VHC đã mua lại hơn 1 triệu cổ phiếu làm cổ phiếu quỹ. Red River Holding, nhà đầu tư ngoại lớn nhất tại VHC, đang sở hữu khoảng 15% cổ phần. Trong tổng số 32,5% vốn điều lệ VHC do nước ngoài nắm giữ, vẫn còn khoảng 17% cổ phần trong tay nhiều cổ đông ngoại.

Tuy nhiên, nếu bà Khanh muốn bán, tình thế sẽ khác. Thực tế, việc VHC trở thành đơn vị thứ 3 trên thị trường (sau Công ty chứng khoán SSI và Công ty Everpia Việt Nam) hoàn tất các thủ tục để nới room lên 100% ngay trong tháng 2 được xem là đáng chú ý. Sự sốt sắng này, đối chiếu với tình hình kinh doanh của VHC, dễ làm người ta liên tưởng đến một khả năng mới. Có thể,

VHC sản xuất và kinh doanh nhiều mặt hàng gồm cá tra, gạo, collagen, bột cá, dầu cá, nhưng cá tra vẫn đóng góp hơn 80% doanh thu của Công ty. Theo số liệu gần nhất, cá tra của VHC hiện dẫn đầu cả nước, đóng góp đến 14% tổng sản lượng xuất khẩu cá tra Việt Nam. Trong đó, Mỹ là thị trường chủ lực, chiếm hơn 50% kim ngạch xuất khẩu của VHC.

Thế nhưng cá tra đã có một năm 2015 không như mong đợi, với kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt gần 1,6 tỷ USD, giảm 10% so với cùng kỳ, theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP). Đặc biệt, trong 8 thị trường xuất khẩu cá tra lớn nhất của Việt Nam, có đến 6 thị trường bị sụt giảm.

Thị phần xuất khẩu cá tra Việt Nam 9 tháng đầu năm 2015

Sắp tới, khó khăn sẽ càng chất chồng cho ngành cá tra nói chung và VHC nói riêng, khi bên cạnh câu chuyện thuế chống bán phá giá, từ tháng 3/2016, cá tra Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ còn chịu thêm tác động từ đạo luật Farm Bill. Theo đạo luật này, cá tra trơn dù nuôi ở nội địa hay nhập khẩu cũng sẽ bị thay đổi về mặt kiểm soát, chuyển từ Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ thuộc (FDA) sang Ban Quản lý Thực phẩm Nông nghiệp An toàn và Dịch vụ Kiểm soát thuộc Bộ Nông nghiệp Mỹ (FSIS).

Ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký VSEP, từng cho biết Việt Nam chưa thể lường hết diễn biến tiếp theo vì chưa nắm tất cả những quy định và yêu cầu của FSIS. “Nhưng có thể nói rằng, một số những quy định của FSIS đi ngược lại một số quy định của WTO mà Mỹ và Việt Nam đều là thành viên”, ông nói.

Mặt khác, cá tra còn bị cạnh tranh gay gắt từ cá rô phi Trung Quốc, cá thịt trắng Alaska Pollock, cá Cod... Vì thế, theo VASEP, xuất khẩu cá tra của Việt Nam năm 2016 có thể giảm 5% so với năm 2015, tức chỉ đạt khoảng 1,5 tỷ USD.

Về phía VHC, tuy vẫn đạt tăng trưởng doanh thu năm 2015, nhưng trong một môi trường kinh doanh đã chật vật hơn với những rào cản mới, theo bộ phận phân tích của Công ty Chứng khoán Vietcombank (VCBS), ảnh hưởng lên VHC sẽ không nhỏ. Công ty này cần phải tập trung cải thiện chất lượng cũng như chuỗi quy trình khép kín nếu muốn tiếp tục xuất khẩu vào Mỹ.

Nói như bà Võ Thị Thu Hương, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Cá tra Việt Nam, có 3 vấn đề cần được các đơn vị kinh doanh chú ý giải quyết. Đó là sản xuất giống, nuôi và chế biến, tìm thị trường. Hiện tại, theo khảo sát của hiệp hội này, khâu giống gần như bị bỏ ngỏ. Đối với khâu chế biến, có tình trạng nhà máy chế biến kiêm luôn việc sản xuất nguyên liệu và thức ăn. Về thị trường, doanh nghiệp xuất khẩu cá tra chưa xây dựng được thương hiệu, chưa chú ý mở các kênh bán hàng ở nước ngoài. Tất cả đã làm xói mòn năng lực cạnh tranh, tạo thêm khó khăn cho các doanh nghiệp.

Có lẽ thấy được điều này nên năm 2014, VHC đã thoái vốn khỏi lĩnh vực thức ăn chăn nuôi khi bán cổ phần ở Công ty Thức ăn Chăn nuôi Vĩnh Hoàn 1. Gần đây, họ cũng cho thấy ý định ra khỏi ngành gạo khi bán dây chuyền sản xuất của Công ty Lương thực Vĩnh Hoàn 2. Thay vào đó, VHC vừa chính thức công bố trở thành công ty mẹ của Công ty Thủy sản Cửu Long khi gia tăng sở hữu lên 55,5% vốn điều lệ.

Cửu Long có mặt hàng chủ lực là tôm xuất khẩu với các thị trường chính là châu Âu, Mỹ, Nhật. Công ty này từng niêm yết trên thị trường chứng khoán TP.HCM cuối năm 2012, nhưng sau đó hủy niêm yết vào năm 2014. Ở thời điểm 3 năm trước (2013), Cửu Long đã đạt doanh thu hơn 1.000 tỷ đồng. Theo báo cáo thường niên năm đó, công ty này có mục tiêu lọt vào nhóm 10 nhà xuất khẩu tôm lớn nhất Việt Nam.

Rõ ràng, VHC đang từng bước mở rộng kinh doanh theo chiều ngang trong lĩnh vực cốt lõi, sau thời gian tập trung phát triển chiều dọc. Và trong bối cảnh kinh doanh đã có nhiều thay đổi, họ có lẽ đang cân nhắc đến những chiến lược hợp lực với đối tác nước ngoài.

Chuyên đề