VECS: Lợi thế từ cổ đông lớn và khó khăn do nợ đọng

(BĐT) - Nhờ mối quan hệ với Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), Công ty CP Dịch vụ đường cao tốc Việt Nam (VECS) được giao quản lý vận hành, bảo trì, thu phí và khai thác dịch vụ liên quan tới một số tuyến cao tốc do “ông trùm” đường cao tốc VEC làm chủ đầu tư. Sắp chào sàn UPCoM, “tân binh” VECS có gì để thu hút nhà đầu tư?
Toàn tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi được đưa vào khai thác mang lại nguồn thu đáng kể cho Công ty CP Dịch vụ đường cao tốc Việt Nam. Ảnh: Hiếu Nguyên
Toàn tuyến cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi được đưa vào khai thác mang lại nguồn thu đáng kể cho Công ty CP Dịch vụ đường cao tốc Việt Nam. Ảnh: Hiếu Nguyên

Động lực tăng trưởng mới

Công ty CP Dịch vụ đường cao tốc Việt Nam được thành lập vào tháng 3/2008. Cơ cấu cổ đông lớn của VECS tính đến ngày 20/5 gồm: Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) nắm giữ 22,38%, Công ty CP Bluepoint (11,19%), Công ty CP Đầu tư Thùy Dương (22,38%) và Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (22,38%).

Theo bản công bố thông tin, VECS đang thực hiện công tác quản lý vận hành, bảo trì, kiểm soát tải trọng xe và thu phí hai tuyến đường cao tốc là Nội Bài - Lào Cai đoạn từ Km149+705 đến Km244+570 từ ngày 1/4/2015 và đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đoạn từ Km00+000 đến Km65+000 từ ngày 1/8/2017. Báo cáo cũng cho biết, VECS sẽ đề xuất và tiếp tục thực hiện công tác vận hành, bảo trì và thu phí đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đoạn từ Km65+000 đến Km139+204 từ ngày 1/8/2018. Được biết, đoạn đường này đã hoàn thành và ngày 2/9, Bộ Giao thông vận tải đã tổ chức thông xe, đưa vào khai thác toàn tuyến Dự án Xây dựng đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi (Km0+000 - Km139+204).

Có thể thấy tín hiệu tích cực từ hoạt động kinh doanh của VECS sau khi được quản lý vận hành, bảo trì và thu phí Dự án Xây dựng đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi thông qua báo cáo tài chính 6 tháng năm 2018. Cụ thể, doanh thu thuần đạt 51,6 tỷ đồng, tăng trưởng gần 4% so với cùng kỳ năm 2017. Tuy nhiên, lợi nhuận gộp lại tăng trưởng tới 21% so với nửa đầu năm ngoái, từ 6,6 tỷ đồng lên gần 8 tỷ đồng. Tương ứng, lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm 2018 của VECS cũng tăng trưởng 20% so với 6 tháng năm 2017, đạt 3,8 tỷ đồng.

Theo thông tin của VEC, từ ngày 2/9 đến hết ngày 1/10/2018, đúng 1 tháng kể từ ngày toàn tuyến cao tốc đầu tiên ở khu vực miền Trung do VEC đầu tư, quản lý, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, được đưa vào khai thác, đã có 103.000 lượt phương tiện thông qua tuyến, vượt 40% so với tháng liền kề trước đó; mức bình quân hiện tại là 3.300 - 3.500 lượt phương tiện/ngày đêm, tăng gấp rưỡi so với thời điểm đưa đoạn tuyến Km00+000 đến Km65+000 vào khai thác. Được biết, VEC cũng đang đầu tư Dự án Đường cao tốc Bến Lức - Long Thành. Đây rõ ràng là động lực tăng trưởng mới cho VECS trong thời gian tới.

Ngoài khai thác 2 cao tốc trên, VECS còn thực hiện xây lắp, xây dựng công trình như hạng mục đắp đất Trạm dừng nghỉ cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, Trạm dừng nghỉ Nội Bài - Lào Cai, kinh doanh quảng cáo dọc các tuyến cao tốc khác. 

Tình trạng nợ đọng kéo dài

Thông tin từ Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), hơn 8,9 triệu cổ phiếu của Công ty CP Dịch vụ đường cao tốc Việt Nam sẽ chính thức được giao dịch trên sàn UPCoM từ ngày 10/10. Giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 10.800 đồng/CP.
Tính đến thời điểm cuối quý II/2018, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu tổng tài sản gần 129 tỷ đồng của VECS là các khoản phải thu ngắn hạn với gần 54 tỷ đồng (phải thu gốc là 58,6 tỷ đồng và dự phòng phải thu khó đòi là 4,7 tỷ đồng). Trong đó, các khoản phải thu, cho vay quá hạn thanh toán hoặc chưa quá hạn nhưng khó có khả năng thu hồi (nợ xấu) có giá trị 17,2 tỷ đồng.

Hai khoản phải thu khó đòi có giá trị lớn nhất của VECS là gần 3,2 tỷ đồng từ Công ty CP Chứng khoán Tràng An và 4,3 tỷ đồng từ hai cá nhân là nguyên Chủ tịch HĐQT và nguyên Trưởng phòng Tài chính - Kế toán của Công ty (ông Bảo Việt Trung và bà Đoàn Lệ Hoa).

Về khoản nợ của Chứng khoán Tràng An, báo cáo tài chính bán niên 2018 của VECS cho biết, hiện Chứng khoán Tràng An đã phá sản và VECS đã kiện Chứng khoán Tràng An ra tòa để thu hồi khoản công nợ, tuy nhiên đến nay vẫn không thu hồi được. Liên quan đến khoản phải thu với ông Trung và bà Hoa, vụ việc đang được điều tra bởi Cơ quan An ninh điều tra - Công an TP. Hà Nội. Đến thời điểm lập báo cáo tài chính bán niên 2018, vụ việc vẫn chưa có kết luận của cơ quan điều tra.

Chuyên đề